loader

Tầm soát ung thư cho người từ 40 đến dưới 50 tuổi

Tại sao phải tầm soát ung thư?

Tầm soát ung thư là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm ung thư trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, nhằm chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Có phải ai cũng cần tầm soát ung thư?

Tuy nhiên, việc tầm soát ung thư cũng không phải là cần thiết và khả thi ở mọi lứa tuổi.

Không những thế, theo khuyến cáo của Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (U.S Preventive Services Task Force), đối với các loại ung thư như ung thư da, vòm họng, tuyến giáp, tụy, túi mật, buồng trứng, tinh hoàn, không nên tầm soát khi không có triệu chứng ở tất cả các lứa tuổi.

Người từ 40 đến dưới 50 tuổi nên tầm soát những loại ung thư nào?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society – ACS), đối với người từ 40 đến dưới 50 tuổi không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, nên tầm soát các loại ung thư sau:

1. Ung thư đại trực tràng

Chỉ cần tầm soát ung thư đại trực tràng ở lứa tuổi này khi bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao, như: có người thân mắc ung thư đại trực tràng; có tiền căn phẫu thuật cắt polyp qua nội soi đại trực tràng; có tiền căn xạ trị u vùng bụng, chậu; mắc các bệnh lý như Hội chứng Crohn, viêm loét đại trực tràng, hội chứng Lynch, đa polyp tuyến gia đình,…

Các xét nghiệm tầm soát như nội soi đại trực tràng, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân sẽ được chỉ định với mức độ định kỳ tùy theo từng đối tượng cụ thể và loại xét nghiệm tầm soát mà bạn lựa chọn.

2. Ung thư vú

Dưới 45 tuổi:

Chỉ cần tầm soát ung thư vú ở lứa tuổi này khi bạn nằm trong nhóm có nguy cơ trung bình trở lên, như: có mẹ, em gái hoặc con gái ruột mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư vòi trứng, phúc mạc; có tiền căn xạ trị vùng ngực; có gene BRCA1 hoặc BRCA2.

Chụp nhũ ảnh được chỉ định mỗi 1 năm để tầm soát ung thư vú ở các đối tượng trên.

Từ 45 tuổi trở lên:

Nên chụp nhũ ảnh mỗi 1 năm để tầm soát ung thư vú ở phụ nữ trên 45 tuổi. Cần thường xuyên chú ý các triệu chứng bất thường tại vú, đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm đối tượng nguy cơ kể trên.

3. Ung thư cổ tử cung

Nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung từ năm 25 tuổi trở đi bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) mỗi 3 năm hoặc test HPV mỗi 5 năm, kể cả khi đã tiêm ngừa HPV.

4. Ung thư tiền liệt tuyến

Nếu như bạn có người thân mắc ung thư tiền liệt tuyến, nên bắt đầu tầm soát ung thư tiền liệt tuyến ở nam từ tuổi 40.

 

Nếu bạn thuộc các nhóm nguy cơ kể trên, hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến khám Bác sĩ gia đình tại phòng khám của chúng tôi để được tư vấn và kiểm tra định kỳ.

Đặt lịch khám bệnh tại đây.