loader

RỐI LOẠN LIPID MÁU-BỆNH TIM MẠCH XƠ VỮA

TS.BSCKII. Phan Thái Hảo

Trưởng Đơn vị Nội-Phòng khám Da khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Giảng viên Bộ Môn Nội tổng quát-Khoa Y-Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

RỐI LOẠN LIPID MÁU LÀ GÌ

Rối loạn lipid máu hay còn gọi là rối loạn mỡ máu: là sự tăng bất thường của cholesterol và /hoặc triglycerid trong máu, sự giảm HDL – cholesterol. Trong thực tế, lipid máu gồm nhiều thành phần, quan trọng nhất là cholesterol. Đừng nghĩ là cholesterol là xấu (quan trọng có mặt ở nhiều cơ quan, bộ phận cơ thể, các hormon của cơ thể, giúp cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường khỏe mạnh). Có hai loại cholesterol chính là loại “tốt” và loại “xấu”. Nếu loại xấu tăng nhiều quá hoặc mất cân đối giữa hai loại là nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, bệnh mạch máu ở chi. Cholesterol có từ hai nguồn: Do cơ thể tổng hợp và từ thức ăn. Nguồn từ cơ thể (tổng hợp từ gan và các cơ quan khác) chiếm khoảng 75%, còn lại từ nguồn thức ăn. Cholesterol chỉ thấy ở trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật.

LDL – Cholesterol (loại xấu)

Đây là thành phần được coi là “xấu” của cholesterol, LDL tăng nhiều dẫn đến lắng đọng thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu hoặc vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não. LDL cholesterol là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi khi điều trị. LDL tăng: yếu tố gia đình, chế độ ăn, hút thuốc lá/lười vận động hoặc liên quan các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường…

HDL – Cholesterol (loại tốt)

Chiếm khoảng 1/4-1/3 tổng cholesterol. HDL- cholesterol là loại tốt vì vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, các biến cố tim mạch khác. Nguy cơ giảm HDL là hút thuốc lá, thừa cân/béo phì, lười vận động… Tăng HDL: bỏ thuốc lá, giữ cân nặng hợp lý, tăng cường tập thể dục…

Triglycerides

Cũng là một dạng mỡ trong cơ thể bạn. Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu… Những người có triglycerides trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (tốt). Hiện nay, tăng triglyceride trong máu có thể liên quan đến các biến cố tim mạch.

NGUYÊN NHÂN RLLM THỨ PHÁT LÀ GÌ

Suy tuyến giáp

Đái tháo đường kiểm soát không tốt

Hội chứng Cushing

Suy thận mạn và đặc biệt bệnh thận giai đoạn cuối

Hội chứng thận hư

Bệnh gan tắc nghẽn

Xơ gan ứ mật nguyên phát

Rượu, bia

Thuốc: Lợi tiểu thiazid, ức chế bêta, glucocorticoid, estrogen tổng hợp, progestins, steroid/androgen đồng hóa, cyclosporin, retinoids, ức chế protease

BỆNH CÓ BIỂU HIỆN GÌ

Hầu hết không có triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể đặc hiệu. Hiếm hơn, bệnh nhân bị RLLM gia đình có thể có ban vàng ở da và u vàng ở gân như gân bánh chè, gân gót và gân duỗi bàn tay, cung giác mạc ở mắt. RLLM thường được chẩn đoán bởi tầm soát xét nghiệm thường quy ở bệnh nhân không có triệu chứng. Khi có bệnh tim mạch do xơ vữa như: Thiếu máu cơ tim/nhồi máu cơ tim: gây đau ngực, khó thở; Nhồi máu não/cơn thiếu máu não thoáng qua (tai biến mạch máu não) gây yếu liệt, nói đớ, méo miệng; Bệnh tắc mạch máu chi cấp tính/mạn tính: hoại tử chi, đau cách hồi.

TẦM SOÁT RỐI LOẠN LIPID MÁU KHI NÀO

Tất cả người lớn ≥ 20 tuổi nên xét nghiệm bộ lipid máu. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, xét nghiệm một lần ở độ tuổi từ 9-11 và một lần nữa từ 17-21; hoặc khi có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm, tăng cholesterol máu nặng; hoặc khi trẻ bị béo phì hoặc có các yếu tố nguy cơ chuyển hóa khác và nên tầm soát ngược lại người thân trong gia đình khi phát hiện trẻ có tăng cholesterol máu mức độ trung bình hoặc nặng.

ĐIỀU TRỊ RA SAO

Thay đổi lối sống: chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng và hoạt động thể lực. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, nguồn protein tốt cho sức khỏe (sản phẩm bơ sữa ít béo, thịt gia cầm ít béo (không có da), cá/hải sản và các loại hạt), và dầu thực vật; và hạn chế ăn đồ ngọt, thức uống có đường và thịt đỏ, sản phẩm chế biến từ thịt đỏ (như thịt xông khói, giăm bông và xúc xích), mỡ no và chất béo trans. Chế độ ăn uống nên được điều chỉnh theo yêu cầu calo, sở thích ẩm thực cá nhân và văn hóa, và dinh dưỡng cho các bệnh khác bao gồm cả ĐTĐ.