loader

PHÁT HIỆN SỚM BỆNH HỌNG, THANH QUẢN

BẰNG NỘI SOI TĂNG CƯỜNG HÌNH ẢNH

Hiện nay nội soi tai mũi họng là kỹ thuật không thể thiếu trong công tác khám chữa bệnh tai mũi họng. Nội soi giúp chẩn đoán đúng bệnh tai mũi họng để bác sĩ Tai- Mũi- Họng điều trị bệnh hiệu quả. GS.BS.Roberto Puxeddu, Đại học Y Cagliari, Italy cho rằng: “Việc thăm khám và dựa vào bệnh sử không thể cung cấp đủ thông tin cho chẩn đoán chính xác sang thương vùng họng, thanh quản so với tỉ lệ chính xác lên đến 70% được nội soi ngay khi đến khám”. Với việc sử dụng ống soi nhỏ có ánh sáng đưa vào trong các hốc của tai, mũi, họng, nội soi giúp bác sĩ có thể nhìn thấy các chi tiết nhỏ ở vùng này, mà không nhìn rõ với cách khám thông thường. Do sử dụng ống soi nhỏ, bệnh nhân không bị đau hay khó chịu gì nhiều.

Ngày nay, kỹ thuật y học hiện đại còn “tăng cường hình ảnh” trong nội soi tai mũi họng. Kỹ thuật tăng cường hình ảnh sử dụng các bước sóng ánh sáng khác nhau, giúp hiện rõ mạch máu bất thường, thay đổi bề mặt niêm mạc,… Từ đó, bác sĩ Tai-Mũi-Họng có thể quan sát được rõ hơn sang thương ở vùng họng, thanh quản, là những phần cấu trúc nằm khuất, khó quan sát. Điều này góp phần phát hiện sớm ung thư họng, thanh quản.

Hiên tại, Đơn vị Tai- Mũi- Họng- PKĐK Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch đang sử dụng máy nội soi có ứng dụng kỹ thuật tăng cường hình ảnh Image 1S của công ty KarlStorz của Đức. Kỹ thuật phân tích hình ảnh kỹ thuật số này cho hình ảnh có độ phân giải cao, giúp phát hiện sớm sang thương, sinh thiết mô đúng vị trí, theo dõi sang thương trong và sau quá trình điều trị.

Nhờ vào kỹ thuật này, trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện sớm một số trường hợp ung thư họng, thanh quản, giúp người bệnh được điều trị kịp thời và có kết quả tốt.

Hình sang thương loạn sản rìa bên trái của lưỡi

  1. Nội soi thông thường
  2. Nội soi tăng cường hình ảnh khảo sát bề mặt và rìa sang thương
  3. Nội soi tăng cường hình ảnh khảo sát mạch máu sang thương

Nguồn: R. Puxeddu (2018)

Hình sang thương bạch sản rìa của dây thanh bên trái

  1. Nội soi thông thường
  2. Nội soi tăng cường hình ảnh khảo sát bề mặt và rìa sang thương
  3. Nội soi tăng cường hình ảnh khảo sát mạch máu sang thương

Nguồn: R. Puxeddu (2018)

TS.BS, Nguyễn Nam Hà

Trưởng Đơn vị Tai-Mũi-Họng

Phòng khám đa khoa Trường ĐHYK PNT