loader

Giới thiệu

Bệnh Tai Mũi Họng là bệnh phổ biến. Nhiều nghiên cứu trong y văn đã kết luận dù thường không nặng, nhưng nếu bệnh kéo dài hoặc tái phát nhiều lần trong năm thì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trong quyển sách “Bí ẩn của nước”, TS.Paolo Consigli, thầy thuốc và nhà tâm lý học Italy, viết rằng nước cả bên trong lẫn bên ngoài con người là một liều thuốc tự nhiên diệu kỳ. Trong cơ thể con người, nước khi được “sống” (sạch sẽ và linh động) sẽ kích hoạt “khí”; còn nước “bẩn” (ứ đọng) sẽ hút cạn năng lượng, làm tổn hại đến sức khỏe

Nước chiếm hơn 70% trọng lượng cơ thể. Nước ỏ đường hô hấp chiếm 86%, là một trong những cơ quan cần nhiều nước, sau máu (96%), mắt (95%). Như vậy nước rất cần cho hoạt động của tai, mũi, họng.

Từ năm 2012, Ủy ban Mũi xoang học châu Âu (EPOS-2012) đã tổng hợp các kiến thức về các con đường viêm tại chỗ trong viêm mũi xoang mạn, làm nền tảng cho việc áp dụng các kỹ thuật điều trị tại chỗ trong bệnh lý này. Đến năm 2020, EPOS-2020 đã tổng kết rằng trên thế giới ngày càng có nhiều nghiên cứu về điều trị tại chỗ bệnh lý viêm mũi xoang mạn.

Vai trò của nước đối với sức khỏe

Chỉ cần thiếu nước ở mức độ nhẹ, bạn sẽ có dấu hiệu: mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, dễ cáu gắt, sắc đẹp bị ảnh hưởng: mắt trũng, da nhăn, chuột rút, đau khớp, táo bón, khô đường hô hấp,…

Thiếu nước ở mức độ nặng gây sốt, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, mê sảng, bất tỉnh, tiêu chảy nặng, viêm phế quản, phổi nặng…

TỈ LỆ NƯỚC TRONG CƠ THỂ NGƯỜI

(Nguồn: https://kangenthienvan.com)

Lợi ích của nước trong điều trị tại chỗ bệnh tai, mũi, họng

Nhiều nghiên cứu trong y văn đã kết luận về lợi ích của việc điều trị tại chỗ là làm giảm nhanh hiện tượng viêm tại chỗ do loại bỏ các tác nhân gây bệnh và các chất tiết có nhiều hóa chất gây viêm dư thừa, đưa được thuốc chống viêm, các chất diệt tác nhân gây bệnh trực tiếp vào nơi đang bị viêm.

Việc điều trị tại chỗ giúp giảm sử dụng thuốc đường toàn thân, từ đó giảm tác dụng phụ toàn thân của thuốc, nhất là sự lờn thuốc kháng sinh.

Nước muối sinh lý (NaCl 9%o)) được nhiều chuyên gia Tai-Mũi-Họng chấp nhận nhất trong điều trị tại chỗ tai, mũi, họng vì tác dụng làm sạch, làm ẩm tại chỗ. Các thuốc nước dùng trong tai, mũi, họng có thể thuộc nhiều loại nhóm dược phẩm như khử khuẩn, kháng sinh, thuốc tái tạo niêm mạc, sẽ được bác sĩ Tai-Mũi-Họng chỉ định theo từng loại bệnh.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là đưa nước và thuốc nước vào tai, mũi, họng đúng cách. Các nghiên cứu cũng cho thấy nếu các kỹ thuật và cách đưa nước vào tai, mũi, họng được thực hiện không đúng sẽ vừa không hiệu quả mà còn có thể có hại cho tai, mũi, họng. Do đó các kỹ thuật điều trị tại chỗ cần được hướng dẫn sao cho hiệu quả.

Ngày nay với hiểu biết về mô bệnh học hiện đại và sử dụng kỹ thuật nội soi, thầy thuốc Tai- Mũi- Họng sẽ giúp tăng tiếp xúc thuốc với niêm mạc tối đa: làm sạch tại chỗ, phá vỡ màng sinh học (biofilm) bao phủ vi khuẩn,…và hướng dãn bệnh nhân làm rộng đường vào, ví dụ: dùng thuốc co mạch mũi, thè lưỡi ra khi kêu “khò, khò, khò…” trong động tác súc họng,…cũng như đưa thuốc đúng cách.

NỘI SOI ĐIỀU TRỊ TẠI CHỖ BỆNH TAI CHO BỆNH NHI

(Nguồn: Nguyễn Nam Hà, 2023)

Phòng ngừa bệnh Tai-Mũi-Họng

Các kỹ thuật chăm sóc tai, mũi, họng hàng ngày giúp phòng ngừa tái phát và hỗ trợ điều trị bệnh. Do đó việc làm này cần được thực hiện đều đặn.

Tóm lại, bệnh Tai Mũi Họng phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều trị tại chỗ làm giảm nhanh hiện tượng viêm tại chỗ, giúp giảm tác dụng phụ toàn thân của thuốc, nhất là sự lờn thuốc kháng sinh. Do đó, điều trị tại chỗ cần được phổ biến rộng rãi cho các cơ sở khám chữa bệnh và bệnh nhân Tai Mũi Họng.

TS.BS.Nguyễn Nam Hà