loader

GIẢM CÂN SAU TẾT

Tăng cân luôn là một nỗi ám ảnh cho mọi người nhất là sau 1 kỳ nghỉ lễ dài như dịp Tết. Đợt tăng cân này trầm trọng hơn vì nối tiếp theo một đợt tăng cân do giãn cách xã hội vì Covid. Tăng cân xuất hiện nhiều ở trẻ em và nhân viên văn phòng.

Thừa cân béo phì không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn là vấn đề sức khỏe. Khoa học đã chứng minh, mô mỡ của chúng ta đóng vai trò như một cơ quan nội tiết, chúng tiết ra những chất cytokines. Chính những hóa chất này sẽ khởi phát quá trình viêm và hậu quả là gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, vấn đề sản khoa (giảm khả năng thụ thai, tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, sinh non tháng…), đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và ung thư… Ở người thừa cân, những vấn đề này xuất hiện sớm hơn nhiều so với dân số chung.

Thừa cân béo phì khi chỉ số khối cơ thể BMI > 23 và vòng bụng đo ngang rối > 80cm ở nữ và >90cm ở nam hoặc tỉ lệ mỡ cơ thể tăng (đo bằng thiết bị chuyên dụng).

Thông trong tư tưởng

Giảm cân là vấn đề cực kỳ khó. Nhiều người đã từng thất bại nhiều lần. Do đó nếu bạn có ý định giảm cân, trước tiên phải thông suốt những quan điểm sau đây:

– Quyết định giảm cân là quyết định nghiêm túc chứ không phải nhất thời theo phong trào. Do đó nếu đã quyết định thì phải thu xếp công việc và dành thời gian theo đuổi đến cùng.

– Giảm cân là trách nhiệm đối với sức khỏe bản thân và thể hiện trách nhiệm của mình với với gia đình.

– Giảm cân không thể cấp tốc mà cần phải có thời gian (ít nhất 6 tháng)

– Giảm cân không có phương pháp thần kỳ, không có phương pháp nào không cần ăn kiêng, không cần tập thể dục mà giảm được.

– Giảm cân không thể do người ngoài làm thay cho mình mà phải chính là do chính mình làm.

– Giảm cân không phải là khổ hạnh, chúng ta vẫn có thể tìm được niềm vui trong chế độ ăn lành mạnh và tăng vận động.

Các phương pháp giảm cân

Hãy tiếp cận cơ sở y tế để giảm cân. Nhân viên y tế sẽ là những huấn luyện viên, những người bạn đồng hành trong quá trình giảm cân dài hạn của bạn.

Tại cơ sở y tế, trước tiên bạn sẽ được cân đo, đo thành phần cơ thể bằng máy chuyên dụng, xét nghiệm máu các thông số đường huyết lúc đói, bilan cholesterol, chức năng gan, acid uric máu và siêu âm bụng (xem có gan nhiễm mỡ, buồng trứng đa nang, tình trạng túi mật…). Tùy theo mức độ của béo phì, bệnh nền và sự xuất hiện của các vấn đề sức khỏe đi kèm, sẽ có kế hoạch điều trị khác nhau.

Hướng dẫn chế độ ăn, tập luyện và các thay đổi hành vi lối sống khác một cách cá thể hóa phù hợp với từng người bệnh.

Kê đơn thuốc giảm cân và các thuốc hỗ trợ khác.

Các nguyên tắc cụ thể

Nếu bạn không thích ăn rau, trái cây, hãy thử khám phá những món ăn tuyệt vời làm từ rau trên khắp mọi miền đất nước và trên thế giới, bạn sẽ thay đổi quan điểm của mình.

Nếu bạn thích ăn vặt, hãy chuyển đổi thành những món ăn vặt ít năng lượng và tốt cho sức khỏe chẳng hạn sữa chua, trái cây, rau câu…

Nếu bạn chưa có thói quen vận động, hãy tự thưởng cho mình những dụng cụ thể dục thể thao tiện lợi, đẹp mắt như xe đạp địa hình, vợt cầu lông…bạn sẽ thấy cuộc đời này còn nhiều điều hấp dẫn hơn so với ngồi trước màn hình.

Thế giới đã phát triển nhiều giải pháp khác nhau giúp chúng ta giảm cân như đường kiêng, bia không độ cồn, thực phẩm giảm béo, giảm ngọt, giảm muối, sữa giảm béo, nồi chiên không dầu, máy đếm bước đi, các bài tập thể dục trong nhà…

Tất cả các vấn đề đều có giải pháp, vấn đề quan trọng là bạn có muốn làm mới chính mình hay không thôi. Chúc bạn năm mới sẽ có những thành công mới.

TS.BS Trần Quốc Cường

Chuyên gia dinh dưỡng.

Phòng khám Đa khoa – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Phòng khám Dinh dưỡng thuộc phòng khám Đa khoa – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là cơ sở y tế công lập đáng tin cậy với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất khang trang, thiết bị chuyên dụng đầy đủ và môi trường thông thoáng phòng ngừa lây nhiễm Covid.

Phòng khám chuyên tư vấn và điều trị các vấn đề dinh dưỡng ở trẻ em và người lớn: biếng ăn, chậm lớn, chậm phát triển chiều cao, béo phì, suy dinh dưỡng, tư vấn dinh dưỡng cho các bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, goute, tăng cholesterol…