loader

BỆNH ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN CHI DƯỚI

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là tình trạng bệnh lý thường gặp của động mạch vùng chân và bàn chân. Bệnh xảy ra do tình trạng thu hẹp lòng các động mạch dẫn tới giảm lưu lượng máu chứa Oxy tới các mô. Xơ cứng động mạch được xem là nguyên nhân thường gặp. Các triệu chứng bao gồm đau chân, tê, lạnh chân hoặc bàn chân và đau cơ ở đùi, bắp chân hoặc bàn chân, (có thể) làm tổn thương thần kinh và các mô, cơ quan khác ở chân.

NGUYÊN NHÂN

Xảy ra khi các thành phần chất béo (mảng bám) tích tụ lên thành động mạch và làm cho lòng động mạch bị hẹp. Các thành động mạch trở nên cứng hơn và không thể giãn ra để lượng máu nhiều hơn có thể qua khi cần thiết, dẫn đến các cơ ở chân không nhận đủ máu và oxy khi hoạt động nhiều (như khi tập thể dục hoặc đi bộ) gây ra cơn đau bắp cơ. Nếu tình trạng hẹp lòng động mạch đáng kể có thể gây thiếu máu nuôi cơ ngay cả khi các cơ đang nghỉ ngơi dẫn tới cơn đau kéo dài và liên tục.

Bệnh thường ảnh hưởng đến nam giới trên 50 tuổi, nhưng phụ nữ cũng có thể mắc bệnh này. Mọi người đều có nguy cơ mắc cao hơn nếu kèm các yếu tố sau:

  • Hút thuốc

  • Tăng Cholesterol

  • Bệnh đái tháo đường

  • Bệnh tim mạch kèm theo: bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu não

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng chính của bệnh động mạch ngoại biên chi dưới là: đau, nhức, mỏi, cảm giác bỏng rát hoặc khó chịu (ở cơ bàn chân, bắp chân hoặc đùi). Các triệu chứng này thường xuất hiện khi đi bộ hoặc tập thể dục, và biến mất sau vài phút nghỉ ngơi. Lúc đầu, những triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện khi đi bộ lên dốc, đi bộ nhanh hoặc đi bộ quãng đường dài. Từ từ, các triệu chứng trên xảy ra sớm hơn và ngay cả khi ít vận động hơn.

Khi bệnh nghiêm trọng, sẽ có tình trạng: 

  • Vết loét khó hoặc không lành

  • Đau và chuột rút vào ban đêm

  • Đau hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc ngón chân, có thể gây khó chịu khi da tiếp xúc với quần hoặc ga trải giường

  • Cơn đau gia tăng khi bạn nâng cao chân và bớt đau khi bạn để thõng thấp chân và đung đưa qua thành giường

  • Không cử động được chi dưới

PHÁT HIỆN SỚM BỆNH

Khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa mạch máu có thể tìm thấy:

  • Âm thổi,âm rít khi nghe động mạch

  • Chỉ số huyết áp ở chân thấp hơn cánh tay

  • Yếu hoặc không có mạch khi bắt động mạch ở vùng cổ chân, vùng khoeo

Bệnh diễn tiến kéo dài, có thể phát hiện thêm một số dấu hiệu

  • Teo cơ bắp chân

  • Rụng lông chân, bàn chân và ngón chân

  • Vết loét đau, viền vết loét thiểu dưỡng (thường là màu đen), chậm hoặc không lành

  • Da tái hoặc móng trắng bệt ở ngón chân

  • Dấu hiệu khô và dày móng

Kiểm tra cận lâm sàng ghi nhận một số dấu hiệu: 

  • Đo và kiểm tra chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI) nhỏ hơn 0.9

  • Xét nghiệm máu có thể cholesterol cao hoặc tăng đường máu

  • Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới

  • Chụp mạch máu động mạch chi dưới (bằng CT mạch máu – CTA hoặc MRI mạch máu – MRA)

KIỂM SOÁT

Tập đi bộ hoặc tăng vận động cơ vùng chân (đạp xe đạp, bơi, leo dốc,…) đến lúc có biểu hiện đau cơ – hãy dừng vận động, nghỉ ngơi tại chỗ cho cơn đau bớt hết hẳn rồi lại tiếp tục vận động chi. Theo thời gian, tuần hoàn vùng chi dưới có thể cải thiện khi các mạch máu nhỏ hình thành (tăng hệ thống tuần hoàn bàng hệ). Quan trọng là phải được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa mạch máu trước khi tiến hành tập. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Bỏ ngay thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá (hít thuốc lá thụ động). Hút thuốc lá làm tắc nghẽn lòng động mạch, giảm khả năng vận chuyển oxy của máu và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Giữ cân nặng hợp lý (chỉ số BMI trong khoảng 19 – 23) bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh, ăn ít hơn và tham gia chương trình giảm cân nếu bạn cần giảm cân.

Chăm sóc đôi chân, đặc biệt nếu có bệnh lý đái tháo đường. Mang giày vừa vặn, êm vùng lòng bàn chân, được bao bọc các đầu ngón chân. Chú ý bất kỳ vết các vết cắt, vết xước hoặc vết thương và đến gặp bác sĩ ngay nếu các vết đó lành chậm hoặc có biểu hiện nhiễm trùng.

Theo dõi và được kiểm soát lượng đường trong máu bởi bác sĩ nếu có kèm bệnh lý đái tháo đường.

Kiểm soát tình trạng stress qua chương trình tư vấn tâm lý đặc biệt, hoặc tham gia thể thao, thiền hoặc yoga.

Nếu cholesterol máu cao, hãy ăn chế độ ăn ít cholesterol và ít chất béo .

Giới hạn lượng rượu uống còn 1 ly mỗi ngày (phụ nữ) và 2 ly mỗi ngày (nam).

Đảm bảo chỉ số huyết áp được kiểm soát tốt.

Các nhóm thuốc có thể hỗ trợ, tuy nhiên cần được chỉ định bởi bác sĩ

  • Aspirin hoặc Clopidogrel (nhóm thuốc ức chế kết tập tiểu cầu), giúp không tập trung tiểu cầu trong máu tại lớp nội mạch của động mạch. KHÔNG tự ý ngưng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.

  • Cilostazol (nhóm thuốc làm giãn động mạch) phải được chỉ định từ bác sĩ.

  • Nhóm thuốc giảm cholesterol.

  • Thuốc giảm đau thần kinh khi có biểu hiện cơn đau.

Can thiệp thủ thuật, phẫu thuật có thể được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa mạch máu trong một số trường hợp tắc, nghẽn nghiêm trọng gây thiếu máu nuôi chân cấp tính hoặc tình trạng đau cơ vùng chân nghiêm trọng dẫn tới hạn chế đi, vận động, hoặc khi có tình trạng thiểu dưỡng, vết loét khó lành. Các tùy chọn là:

  • Thủ thuật can thiệp nội mạch (lấy huyết khối, nong bóng, đặt stent)

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch (mạch máu tự thân hoặc nhân tạo)

Một số trường hợp không tuân thủ điều trị tốt hoặc phát hiện trễ, khi tình trạng thiếu máu mô kéo dài, có thể phải cắt bỏ chi để đảm bảo tính mạng

ĐI KHÁM NGAY KHI CÓ CÁC DẤU HIỆU

Hãy gặp ngay bác sĩ nếu bạn có một trong các dấu hiệu sau:

  • Da vùng chân hoặc bàn chân cảm giác mát khi chạm vào, màu da nhợt nhạt, hoặc tê

  • Đau ngực hoặc khó thở kèm theo đau chân khi đi hoặc cả khi nghỉ ngơi

  • Cơn đau ở chân không biến mất, ngay cả khi không đi 

  • Chân đỏ, nóng hoặc sưng tấy

  • Xuất hiện vết thương, vết loét khó lành