Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care)

Trong cuộc sống hiện đại, việc chăm sóc sức khoẻ không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân và gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng chú trọng đến việc duy trì sức khoẻ một cách chủ động và thường xuyên. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) là một bước đi quan trọng giúp chúng ta phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ trong tương lai. Đặc biệt, các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường và xơ vữa động mạch đang ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng đến sức khoẻ cộng đồng. Để giảm thiểu những rủi ro này, việc khám sức khoẻ định kỳ, kết hợp với sự hỗ trợ từ bác sĩ gia đình và các xét nghiệm tổng quát, đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, vai trò của bác sĩ gia đình và các xét nghiệm đồng hành trong việc chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng.

PHẦN 1: CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU

1.1 Định nghĩa chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care) là những chăm sóc sức khỏe thiết yếu dựa trên các cơ sở thực tế và khoa học, các phương pháp chấp nhận được về mặt xã hội và các kỹ thuật có thể tiếp cận được một cách dễ dàng tới mọi cá nhân và gia đình trong một cộng đồng. Thông qua sự tham gia của chính họ với một chi phí mà cộng đồng và đất nước họ có thể đủ khả năng chi trả cho bất kỳ giai đoạn phát triển nào trên tinh thần tự lực và tự cường [1] Chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) là hình thức chăm sóc y tế cơ bản nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị và quản lý các bệnh tật tại cộng đồng. Đây là bước đầu tiên và quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ của mỗi cá nhân, bao gồm các dịch vụ như khám sức khoẻ định kỳ, tư vấn dinh dưỡng, tiêm chủng, phòng ngừa bệnh tật và hướng dẫn về lối sống lành mạnh. CSSKBĐ còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ tổng thể, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật, đồng thời là cơ sở để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care)

Nguồn: Website Khoa học & Phát triển

1.2 Mục đích của chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Mục đích chính của CSSKBĐ là giúp người dân duy trì sức khoẻ, phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề về sức khoẻ. CSSKBĐ không chỉ tập trung vào điều trị mà còn nhấn mạnh việc tư vấn, giáo dục sức khoẻ và xây dựng thói quen lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý trong tương lai. Đây là cơ sở để giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, giúp giảm chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Các mục đích cụ thể của CSSKBĐ bao gồm:

  • Phòng ngừa bệnh tật: Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa các bệnh lý phổ biến như tim mạch, tiểu đường, ung thư.
  • Phát hiện sớm bệnh tật: Thực hiện các chương trình sàng lọc, tầm soát để phát hiện các bệnh lý nguy hiểm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, đái tháo đường, xơ vữa động mạch…
  • Chăm sóc sức khoẻ tinh thần: Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần, giúp giảm stress, lo âu.
  • Quản lý bệnh mạn tính: Hướng dẫn, tư vấn và chăm sóc cho những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch.

1.3 Một số bệnh mạn tính không lây hay gặp trong cộng đồng

1.3.1 Bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. [2]

ĐTĐ thường có ba loại chính:

  • Đái tháo đường type 1: Là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy, khiến cơ thể không sản xuất insulin.
  • Đái tháo đường type 2: Là tình trạng cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả hoặc không sản xuất đủ insulin. Đây là loại phổ biến nhất và thường liên quan đến thói quen ăn uống kém, thiếu vận động và yếu tố di truyền.
  • Đái tháo đường thai kỳ: xảy ra ở 1 số phụ nữ đang mang thai và có thể chấm dứt sau khi sanh hoặc tiển triển thành đái tháo đường type 2

Các triệu chứng của ĐTĐ bao gồm khát nước nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, giảm cân không chủ đích. Để phòng ngừa và kiểm soát bệnh, việc phát hiện sớm và thay đổi lối sống là rất quan trọng.

1.3.2 Giới thiệu về bệnh xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch (XVDM) là một bệnh lý mạn tính, xảy ra khi các mảng bám cholesterol và chất béo tích tụ trên thành các động mạch, làm hẹp và cứng các mạch máu. Điều này gây cản trở lưu thông máu, dẫn đến giảm cung cấp oxy và dưỡng chất cho các cơ quan trong cơ thể, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh lý mạch máu ngoại vi.

Các mảng xơ vữa động mạch

Mặt cắt của động mạch có mảng xơ vữa có thể nhìn thấy ở phần trên.

Nguồn: BSIP VEM/SCIENCE PHOTO LIBRARY

Các yếu tố nguy cơ chính của XVDM bao gồm tăng huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc, béo phì, tiểu đường và lối sống thiếu vận động. Bệnh có thể diễn biến âm thầm và không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi gây ra biến chứng nghiêm trọng, do đó việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ và thay đổi thói quen sống là rất quan trọng.

PHẦN 2: VAI TRÒ CỦA BÁC SĨ GIA ĐÌNH VÀ CÁC XÉT NGHIỆM ĐỒNG HÀNH

2.1 Giới thiệu về bác sĩ gia đình

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “ Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là thầy thuốc thực hành lâm sàng có chức năng cung cấp dịch vụ CSSK trực tiếp và liên tục cho các thành viên trong hộ gia đình. BSGĐ tự chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ các chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ cho các thành viên trong hộ gia đình tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế khác” [3]. Vây, có thể hiểu bác sĩ gia đình là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho các thành viên trong gia đình, từ trẻ em đến người cao tuổi. Họ không chỉ chăm sóc cho bệnh nhân khi bị ốm mà còn tham gia vào việc phòng ngừa, tư vấn và quản lý sức khoẻ tổng thể. Bác sĩ gia đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ lâu dài cho cộng đồng, giúp người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh chóng và hiệu quả.

Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ:

  • Thực hiện các cuộc khám sức khoẻ định kỳ cho bệnh nhân.
  • Tư vấn về dinh dưỡng, tập thể dục và các thói quen sống lành mạnh.
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh và giới thiệu bệnh nhân đến các chuyên gia khi cần.
  • Quản lý các bệnh lý mãn tính, theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị.

Khánh thành phòng khám Bác sĩ gia đình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nguồn: Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

2.2 Giới thiệu về các loại xét nghiệm trong y tế

Xét nghiệm là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe, giúp bác sĩ phát hiện và chẩn đoán bệnh tật, cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tùy vào mục đích và tình trạng sức khỏe của mỗi người, có thể thực hiện các loại xét nghiệm khác nhau, chia thành hai nhóm chính: xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm bệnh chuyên sâu.

1. Xét nghiệm cơ bản

Các xét nghiệm cơ bản giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể.

  • Xét nghiệm máu tổng quát: Đây là xét nghiệm cơ bản giúp kiểm tra các chỉ số như số lượng tế bào máu, nồng độ hemoglobin, và các chất dinh dưỡng trong máu. Kết quả xét nghiệm máu tổng quát giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề như thiếu máu, nhiễm trùng, hoặc các bệnh lý liên quan đến máu.
  • Xét nghiệm đường huyết: Đo nồng độ glucose trong máu, giúp phát hiện sớm các vấn đề về đường huyết như tiểu đường hoặc hạ đường huyết. Đây là xét nghiệm quan trọng cho những người có nguy cơ cao mắc tiểu đường.
  • Xét nghiệm chức năng gan: Bao gồm các xét nghiệm đo lường các enzyme gan (ALT, AST) và các chất khác để kiểm tra sức khỏe của gan. Xét nghiệm này giúp phát hiện các bệnh lý gan như viêm gan, xơ gan hay ung thư gan.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Được sử dụng để đánh giá chức năng thận và phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc các rối loạn khác trong cơ thể. Xét nghiệm nước tiểu cũng có thể giúp phát hiện các bệnh lý về tiểu đường hoặc bệnh thận.

2. Xét nghiệm bệnh chuyên sâu

Đối với những trường hợp bệnh lý đặc biệt hoặc có triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng sức khỏe.

  • Xét nghiệm bệnh mạn tính và rối loạn chuyển hóa: Các xét nghiệm này giúp xác định các vấn đề liên quan đến các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, và các tình trạng bệnh lý lâu dài khác.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Chức năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và các hoạt động khác trong cơ thể. Các xét nghiệm này bao gồm đo nồng độ TSH, T3, T4 để kiểm tra tình trạng tuyến giáp, giúp phát hiện các rối loạn như cường giáp hoặc suy giáp.
  • Xét nghiệm acid uric: Đo lường nồng độ acid uric trong máu, giúp chẩn đoán bệnh gout và các vấn đề liên quan đến thận. Khi mức acid uric trong máu quá cao, có thể gây ra các cơn đau khớp và sỏi thận.
  • Xét nghiệm chỉ dấu ung thư: Đây là các xét nghiệm nhằm phát hiện dấu hiệu của ung thư trong cơ thể. Các chỉ dấu ung thư như PSA (dành cho ung thư tuyến tiền liệt), CA-125 (ung thư buồng trứng), hay CEA (ung thư đại tràng) có thể giúp bác sĩ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.[4]

Các xét nghiệm này giúp cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị kịp thời. Việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

2.3 Vai trò của bác sĩ gia đình và xét nghiệm trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Bác sĩ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khoẻ của cộng đồng, đặc biệt là trong việc thực hiện các xét nghiệm tổng quát định kỳ. Qua các cuộc kiểm tra và xét nghiệm, bác sĩ gia đình có thể phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Việc thực hiện các xét nghiệm cơ bản giúp bác sĩ gia đình đánh giá tổng thể sức khoẻ của bệnh nhân, từ đó đưa ra các lời khuyên về dinh dưỡng, lối sống và các biện pháp phòng ngừa bệnh tật.

Các xét nghiệm giúp bác sĩ gia đình:

  • Phát hiện sớm các bệnh lý: Nhờ xét nghiệm, bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch và từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Điều chỉnh phương pháp điều trị: Các xét nghiệm cung cấp thông tin quan trọng giúp bác sĩ gia đình điều chỉnh phác đồ điều trị bệnh nhân, đặc biệt đối với các bệnh mạn tính.
  • Tư vấn và giáo dục sức khoẻ: Bác sĩ gia đình sẽ hướng dẫn bệnh nhân về các thói quen sống lành mạnh, cách phòng ngừa bệnh tật và giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về sức khoẻ của mình.

Như vậy, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khi được phối hợp với sự hỗ trợ từ bác sĩ gia đình và các xét nghiệm y khoa, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn xây dựng nền tảng bền vững để duy trì và cải thiện sức khỏe lâu dài cho từng cá nhân. Sự kết hợp này không chỉ giảm gánh nặng bệnh tật cho hệ thống y tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nên một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Các xét nghiệm y tế cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện sức khỏe. Bệnh nhân và nhân viên y tế cần phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa giá trị của chăm sóc sức khỏe cộng đồng [5]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tổ chức Y tế Thế giới. Tuyên bố của Alma-Ata. Được thông qua tại Hội nghị quốc tế về Chăm sóc sức khỏe ban đầu, Alma-Ata, USSR, ngày 6 tháng 12 năm 1978.
  2. Bộ Y tế, HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
  3. Bộ Y tế, CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH DÀNH CHO BÁC SĨ LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ, tháng 12 năm 2019
  4. BS.CKII Trần Thị Thanh Nga – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, 15 LOẠI XÉT NGHIỆM TÌM DẤU ẤN UNG THƯ CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?, Truy cập ngày 09/12/2024, từ https://tamanhhospital.vn/xet-nghiem-dau-an-ung-thu/
  5. PGS. TS. BS. Vũ Quang Huy – Chủ tịch Chi Hội Quân Dân Y phía Nam, CHUYÊN ĐỀ “XÉT NGHIỆM ĐỒNG HÀNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE TẠI CỘNG ĐỒNG”, tháng 12 năm 2024