Giới thiệu
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, trong năm học 2022-2023, bên cạnh ghi nhận về các bệnh thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, tật khúc xạ, bệnh sâu răng, tình trạng cong vẹo cột sống, sức khỏe thần kinh và tâm thần, Sở cũng nhận thấy các cơ sở giáo dục lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại đơn vị như: COVID-19, tay chân miệng, cúm, sởi, bạch hầu…
Nguyễn Nam Hà và cs, năm 2014, nhận thấy các nhóm bệnh lý thường gặp ở học sinh tiểu học, THCS ở quận Tân Bình bao gồm: bệnh răng miêng, cận thị, vẹo cột sống, bệnh Tai Mũi Họng. Bệnh Tai Mũi Họng có tỉ lệ cao xấp xỉ các nhóm bệnh khác, là 15 – 20%.
Các bệnh lây nhiễm chiếm tỉ lệ cao trong trường học
Bệnh, tật thường gặp ở học sinh được chia thành: các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, tật học đường. Theo Cục khám chữa bệnh, Bộ Y Tế năm 2023, tỉ lệ phân bố nhóm bệnh lây nhiễm ở các bệnh viện có khoa Nhi, cả ngoại trú lẫn nội trú, đều cao nhất. Do vậy việc khám chữa bệnh và phòng bệnh lây nhiễm trong trường học rất quan trọng.
Một số bệnh lây nhiễm thường gặp:
-Lây qua đường hô hấp: COVID-19, cúm mùa, sởi, quai bị, lao,…
-Lây qua đường tiêu hoá: tay chân miệng, tiêu chảy.
-Lây qua côn trùng: sốt xuất huyết.
Một số biện pháp phòng bệnh lây qua đường hô hấp cho học sinh
+Trước khi học sinh đến trường:
– Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân phòng ngừa nhiễm bệnh như: đeo khẩu trang khi phải đến nơi công cộng, giữ khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc với người bị ho, hắt hơi, khử khuẩn khi về đến nhà. Khử khuẩn bao gồm rửa tay dưới vòi nước chảy hoặc dung dịch sát khuẩn, và vệ sinh đường hô hấp trên bằng xịt mũi, súc miệng, súc họng đúng cách và thường xuyên. Xịt mũi phun sương và súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý. Cần lưu ý đối với học sinh là chai xịt mũi phun sương là dụng cụ cá nhân, không dùng chung, và súc họng hiệu quả là nhớ thè lưỡi ra khi kêu “khò khò”.
– Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay đúng cách.
+ Trong khi học sinh học tập tại trường:
– Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Rửa tay trước khi vào lớp; Rửa tay trước và sau khi ăn; Rửa tay sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ; Rửa tay sau khi đi vệ sinh; Rửa tay khi tay bẩn.
– Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.
– Không đưa tay lên mắt, mũi miệng
– Bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn,… để dùng riêng tại lớp (nếu cần)
– Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn…
– Không khạc, nhổ bừa bãi
– Bỏ rác đúng nơi quy định
– Nếu có sốt, ho, khó thở thì báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm
+ Sau khi học sinh rời trường
– Thực hiện nghiêm giãn cách khi ra khỏi cổng trưởng.
– Nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang trên đường về nhà.
– Nhà trường duy trì việc vệ sinh, khử trùng trường lớp theo quy định.
– Kiểm tra, rà soát, bổ sung kịp thời nước sát khuẩn, xà phòng và các vật dụng khác cho các buổi học tiếp theo.
Kết luận
Để phòng ngừa bệnh, tật trong trường học và bảo vệ sức khỏe, một số biện pháp cơ bản giúp phòng ngừa mắc bệnh, tái phát và hỗ trợ điều trị. Các động tác và cách làm nếu được thực hiện không đúng: không hiệu quả, có thể có hại. Học sinh cần lưu ý: tinh thần an vui, tập thể dục, ăn ngủ hợp lý.
TS.BS.Nguyễn Nam Hà
Trưởng Chi hội TTGDSK – Hội YTCC TP.HCM
Bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng