Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do các bệnh mạn tính đang gia tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ qua, liên tục đặt ra thách thức lớn cho các hệ thống y tế trên toàn thế giới. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy một phần lớn các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và béo phì, có thể được phòng ngừa thông qua việc thay đổi lối sống, trong đó dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát các bệnh mạn tính.

Tổng quan về bệnh mạn tính không lây

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mạn tính là “các bệnh không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác, còn được gọi là bệnh không lây nhiễm (NCDs), không lây từ người sang người, tiến triển trong thời gian dài và chậm”.

Các đặc điểm của bệnh mạn tính không lây bao gồm:

  • Kéo dài và dai dẳng trong suốt cuộc đời cá thể
  • Không thể phòng ngừa bằng vắc xin do không có nguồn gốc nhiễm trùng
  • Có thời gian tiềm ẩn dài (thời gian giữa khi khởi phát bệnh và xuất hiện các triệu chứng)
  • Có nguyên nhân phức tạp và nhiều yếu tố rủi ro
  • Không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát được

Bệnh mạn tính bao gồm rất nhiều bệnh, nhưng các bệnh mạn tính phổ biến và được quan tâm nhất hiện nay là:

  • Bệnh tim mạch (ví dụ: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim)
  • Ung thư
  • Bệnh hô hấp mạn tính (ví dụ: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản)
  • Đái tháo đường

Bệnh mạn tính không lây hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mạn tính không lây chiếm khoảng 70% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng 41 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong đó, hơn 80% các ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi các nguồn lực y tế còn hạn chế.

Các bệnh mãn tính là kết quả của sự kết hợp các yếu tố di truyền, sinh lý, môi trường và hành vi trong cuộc sống của một cá thể. Trong khi các yếu tố nguy cơ cá nhân như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình và di truyền không thể thay đổi, nhiều yếu tố nguy cơ hành vi có thể được điều chỉnh để giúp ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh mãn tính. Các bệnh mạn tính không lây phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ chính, bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Thiếu vận động thể lực
  • Lạm dụng rượu, bia
  • Chế độ ăn không hợp lý

Trong số các nguy cơ trên, chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp và cân bằng đóng vai trò rất lớn trong việc giảm nguy cơ và hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính không lây. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa đến 80% các ca bệnh tim mạch, đái tháo đường và nhiều loại ung thư phổ biến.

Chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa bệnh mạn tính không lây

Chế độ ăn uống cho người mắc bệnh mạn tính không lây nên được cá thể hóa tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý kèm theo, và thói quen ăn uống của từng người. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản đã được chứng minh là có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh mạn tính không lây.

1. Cân bằng năng lượng để duy trì cân nặng hợp lý

Việc cung cấp đủ năng lượng giúp duy trì cân nặng ổn định là nguyên tắc quan trọng đầu tiên. Lượng thực phẩm vừa đủ sẽ ngăn ngừa tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc phải các bệnh mạn tính không lây.

Với 1 người trưởng thành, lượng thực phẩm trung bình trong 1 ngày bao gồm: 660 – 825g cơm (6-7 chén cơm) hoặc thực phẩm tương đương
240g trái cây
240 – 320g rau/củ/quả
180 – 200g thịt/cá/tôm
300 – 400 ml sữa tươi
25 – 30g dầu/mỡ
<25g đường

Để giúp xác định xem một người có cân nặng chuẩn, nhẹ cân, thừa cân hay béo phì, cũng như đánh giá nguy cơ phát triển một số vấn đề sức khỏe nhất định, người ta thường hay sử dụng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI).

Chỉ số BMI được tính dựa trên cân nặng và chiều cao theo công thức:

BMI= Cân nặng (kg) / Chiều cao (m) x Chiều cao) (m)

Một người trưởng thành có cân nặng hợp lý khi BMI nằm trong khoảng là 18,5 – 23 kg/m² (WHO, 2023). Ví dụ, một người nặng 56 kg với chiều cao 1,65 m sẽ có BMI là 20,5 kg/m², được xem là cân nặng lý tưởng.

2. Cân đối các nhóm thực phẩm

Mỗi nhóm thực phẩm đều có vai trò dinh dưỡng riêng, không thể thay thế lẫn nhau hay đáp ứng toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng nếu chỉ tiêu thụ một nhóm thực phẩm nhất định. Vì vậy, cần thiết phải duy trì một chế độ ăn đa dạng, bao gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm với liều lượng được khuyến cáo mỗi ngày. Điều này giúp đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ và toàn diện các dưỡng chất cần thiết như vitamin, khoáng chất, protein, carbohydrate, và chất béo.

Tháp dinh dưỡng gợi ý rằng các nhóm thực phẩm nên được sắp xếp theo thứ tự từ nhóm cần tiêu thụ nhiều nhất ở đáy (gạo, bánh mì, ngũ cốc, các loại hạt) đến nhóm cần tiêu thụ ít hơn ở đỉnh (chất béo, muối, đường)

3. Đa dạng hóa thực phẩm trong mỗi nhóm thực phẩm

Trong mỗi nhóm thực phẩm, việc lựa chọn đa dạng các loại sẽ giúp cơ thể hấp thu đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Chẳng hạn, nhóm thực phẩm giàu đạm không chỉ nên giới hạn ở thịt, mà nên bao gồm cả cá, sữa, phô mai và các loại đậu. Mỗi nguồn đạm này đều cung cấp thành phần dinh dưỡng riêng biệt và bổ sung lẫn nhau, vì vậy cần cân đối thay vì chỉ tập trung vào một loại nhất định.

4. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh

Để hỗ trợ sức khỏe lâu dài, nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn hàng ngày:

  • Ngũ cốc nguyên cám (cơm gạo lứt, khoai củ, bánh mì đen,…)
  • Thịt nạc, cá (đặc biệt là cá biển ít nhất 2 lần/tuần)
  • Dầu thực vật
  • Sữa tách béo không đường
  • Ăn trái cây/rau/củ/quả nguyên xác (hạn chế ép lấy nước)

Tổng kết

Tóm lại, thông qua việc hiểu rõ vai trò của dinh dưỡng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, kết hợp với vận động thể chất hợp lý và hạn chế các thói quen không lành mạnh như uống rượu bia hay hút thuốc lá, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, bảo vệ sức khỏe lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tài liệu tham khảo

Tucker, K. L. (2020). The role of diet in chronic disease. In B. P. Marriott, D. F. Birt, V. A. Stallings, & A. A. Yates (Eds.), Present Knowledge in Nutrition (11th ed., pp. 329-345). Academic Press. https://doi.org/10.1016/B978-0-12-818460-8.00018-6

Ayu Health. (2023, March 25). The role of nutrition in managing chronic diseases. Ayu Health Blog. Truy cập ngày 7 tháng 11, 2024, từ https://ayu.health/blog/the-role-of-nutrition-in-managing-chronic-diseases/

Bệnh viện Hữu Lũng. (n.d.). Bệnh không lây nhiễm: Gánh nặng, yếu tố nguy cơ và chiến lược phòng chống. Bệnh viện Hữu Lũng. Truy cập ngày 7 tháng 11, 2024, từ https://benhvienhuulung.vn/benh-khong-lay-nhiem-ganh-nang-yeu-to-nguy-co-va-chien-luoc-phong-chong/

World Health Organization (WHO). (2021, May 24). Noncommunicable diseases. World Health Organization. Truy cập ngày 7 tháng 11, 2024, từ https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/noncommunicable-diseases

World Health Organization (WHO). (2020, October 26). Healthy diet. World Health Organization. Truy cập ngày 7 tháng 11, 2024, từ https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/healthy-diet

TYPH Phường 9 Quận Gò Vấp. (n.d.). Quản lý bệnh mạn tính không lây: Bệnh không lây nhiễm là gì? TYPH Phường 9 Quận Gò Vấp. Truy cập ngày 7 tháng 11, 2024, từ https://tytphuong9qgv.medinet.gov.vn/quan-ly-benh-man-tinh-khong-lay/benh-khong-lay-nhiem-la-gi-non-communicable-disease-ncd-c11629-71255.aspx

Chester County Health Department. (n.d.). Chronic diseases. Chester County Health Department. Truy cập ngày 7 tháng 11, 2024, từ https://www.chesco.org/357/Chronic-Diseases

Center for Health Protection (CHP). (n.d.). Chronic diseases. Center for Health Protection. Truy cập ngày 7 tháng 11, 2024, từ https://www.chp.gov.hk/en/static/90017.html