Dị tật bàn chân (DTBC) là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ em khi vừa mới chào đời. Trong một nghiên cứu tại Bình Thuận đã chỉ ra rằng tỷ lệ dị tật sơ sinh là 6,02 trên 1000 ca sinh sống. Nghiên cứu này đồng thuận với các thống kê trước đây, dị tật chi (chân và tay) là một trong các dị tật bẩm sinh phổ biến nhất không chỉ ở địa phương mà trên toàn thế giới. Phát hiện sớm các DTBC từ khi mới sinh ra giúp nhân viên y tế thiết lập chương trình điều trị sớm, đạt kết quả khả quan, giảm bớt khó khăn dáng đi do các dị tật này gây ra.
DTBC có thể phát hiện trong giai đoạn trước sinh hoặc sau sinh. Một vài yếu tố nguy cơ trước sinh phổ biến cần chú ý như mẹ mang thai trọng lượng lớn, đa thai, khung chậu người mẹ hẹp, tư thế của bào thai trong bụng mẹ hoặc một số yếu tố di truyền.
DTBC có thể phân loại theo hình thái thành 03 nhóm chính là: thẳng trục, nghiêng ra ngoài và nghiêng vào trong. Mỗi dạng DTBC được gọi tên cụ thể hơn tuỳ theo biến dạng lệch trục ở phần trước, giữa, sau bàn chân và các hạn chế khi cử động bàn chân.
Sau khi thăm khám, trẻ được chỉ định phương pháp điều trị tuỳ theo dạng, mức độ bệnh lý và các yếu tố khác đi kèm (như thời điểm phát hiện bệnh lý trẻ đã đạt mức vận động nào, các loại dụng cụ kỹ thuật hiện có tại đơn vị điều trị, mức độ hợp tác của trẻ).
Một số phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu DTBC hiện đang được ứng dụng điều trị tại Việt Nam bao gồm: xoa bóp + kéo giãn làm mềm những cơ bị co thắt, nắn chỉnh trục bàn chân, tập mạnh các nhóm cơ yếu, dùng dụng cụ để cố định, đặt tư thế tốt. Các dụng cụ chỉnh DTBC có thể kể đến băng keo lụa chỉnh hình đi kèm nẹp nhựa plaquette, băng chỉnh hình Kinesio, lót giày chỉnh hình, giày chỉnh hình. Phương pháp bó bột Ponseti và mang giày chỉnh hình Dennis Brown chuyên biêt dành cho các bàn chân khoèo.
Trong trường hợp các phương pháp điều trị bảo tồn bằng VLTL thất bại hoặc chưa đáp ứng hiệu quả như mong đợi, có thể cân nhắc phối hợp phẫu thuật để đạt kết quả tốt nhất.
Thăm khám, phát hiện và điều trị DTBC cần sự tham gia của nhiều chuyên khoa phối hợp cùng sự nhận thức, hợp tác từ phía gia đình trẻ. Nâng cao năng lực tầm soát và điều trị DTBC cho nhân viên y tế là điều cần thiết để thế hệ trẻ em tương lại được phát triển toàn diện hơn thể chất, hoà nhập cộng đồng, giảm bớt nguy cơ khuyết tật. Điều trị VLTL là một quá trình lâu dài, tiến triển chậm nên dễ gây tâm lý chán nản. Song VLTL cho thấy hiệu quả tương đối tốt, ít biến chứng về lâu dài cho các dạng DTBC. Do đó cần giải thích để có sự hơp tác người nhà để điều trị, theo dõi nhằm đạt sự thành công tốt nhất cho trẻ.
Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có đơn vị Vật lý Trị liệu phối hợp cùng Bộ môn Phục Hồi Chức Năng thuộc Khoa Điều dưỡng- Kỹ thuật Y học và nhiều đơn vị khác trong công tác thăm khám và điều trị hiệu quả các ca DTBC.
ThS. Lê Thị Khánh Nam
Bộ môn Phục Hồi Chức Năng
Khoa Điều dưỡng- Kỹ thuật
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch