Bệnh lý mắt gây mù ở trẻ em
Bệnh lý mắt gây mù ở trẻ em có thể được chia thành 2 nhóm chính: bệnh lý ảnh hưởng đến thành phần trong suốt của mắt (thành phần dẫn truyền ánh sáng) và bệnh lý ảnh hưởng đến phần dẫn truyền tín hiệu thị giác.
Để chúng ta thấy được một vật, ánh sáng từ vật cần truyền đến võng mạc mắt, đi qua lần lượt các thành phần trong suốt của mắt. Ánh sáng đi vào mắt thông qua giác mạc ở ngoài cùng của tròng đen, xuyên qua lỗ đồng tử đến thủy tinh thể. Giữa giác mạc và thủy tinh thể là môi trường chất lỏng trong suốt gọi là thủy dịch, có vai trò nuôi dưỡng giác mạc và đảm bảo môi trường trong suốt cho ánh sáng đi qua. Ánh sáng sẽ truyền qua thủy tinh thể được treo lơ lửng giữa nhãn cầu nằm bằng các dây chằng Zinn ngay sau lỗ đồng tử. Khi qua được giác mạc và thủy tinh thể, ánh sáng sẽ được hội tụ và truyền tiếp qua môi trường trong suốt khác là dịch kính để cho ảnh trên võng mạc. Ánh sáng của vật sau đó sẽ được chuyển thành các tín hiệu điện ở võng mạc nhờ vào các tế bào thị giác của võng mạc và theo thần kinh thị giác (gai thị) truyền đến não.
Hình: Giải phẫu nhãn cầu cắt dọc
Bệnh lý mắt gây mù ở trẻ em có thể do tác động lên bất cứ thành phần nào trên đường dẫn truyền trong suốt của ánh sáng (giác mạc, thủy dịch, đồng tử, thủy tinh thể, thủy dịch và võng mạc) hoặc đường dẫn truyền tín hiệu ở não bộ.
Bệnh lý ở giác mạc gây mù ở trẻ em bao gồm viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc và loạn dưỡng giác mạc. Các bệnh này gây sẹo hoặc làm mất đi tính trong suốt của giác mạc, khiến ánh sáng không thể đi qua. Nguyên nhân có thể do trầy xước hoặc do vi khuẩn, virus, hoặc do thuốc gây nên.
Bệnh lý gây mù ở trẻ em tiếp theo là viêm màng bồ đào, dẫn đến dị dạng ở phần tròng đen, đồng tử, có thể gây bít đồng tử không cho ánh sáng lọt qua và làm mù mắt.
Một số bệnh lý mắt gây mù ở trẻ em có cùng triệu chứng “đồng tử trắng” như đục thủy tinh thể, tồn lưu dịch kính nguyên phát, và bệnh lý võng mạc như ung thư nguyên bào võng mạc, khuyết võng mạc, bệnh võng mạc trẻ sinh non, bong võng mạc. Các bệnh lý mắt này làm mất đi môi trường trong suốt của mắt, khiến cho không thể tiếp nhận ánh sáng, hoặc ánh sáng không được chuyển thành tín hiệu điện. Bệnh lý nhóm này có thể xuất hiện do bẩm sinh, sau chấn thương hoặc sau viêm nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt, bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP) là bệnh phổ biến khi ngày càng nhiều trẻ sinh non. Theo nghiên cứu, trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1.000 – 1.251 gram có 47% mắc ROP.
Hình: Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh
Bệnh lý gây mù do tác động lên thần kinh thị giác có glaucoma, tăng nhãn áp, bệnh di truyền (Leber), chấn thương đầu, u chèn ép, độc thần kinh do thuốc.
Hình: Glaucoma bẩm sinh
Khi ánh sáng không đến được võng mạc, võng mạc không được kích thích, mắt sẽ có thể bị nhược thị, suy giảm thị lực. Nhược thị nặng có thể không phục hồi, thường do nguyên nhân lé, bất đồng khúc xạ, tật khúc xạ độ cao, bệnh lý bẩm sinh gây ngăn cản đường truyền sáng (sụp mi bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc).
Hình: Mắt trái lé
Khi nào cần cho trẻ khám mắt
Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý mắt gây mù ở trẻ em cần được theo dõi và điều trị sớm bao gồm đồng tử trắng, rung giật nhãn cầu, sụp mi, giác mạc (tròng đen) mờ, to hoặc nhỏ, lé.
Dấu hiệu gián tiếp cảnh báo bệnh lý mắt gây mù ở trẻ em dễ nhận biết như trẻ khó đọc, không sinh hoạt bình thường được, nhìn gần, sợ ánh sáng, hay tư thế đầu bất thường.
Ngoài ra còn bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng ở mắt như Hội chứng Down, bất thường sọ bẩm sinh, Hội chứng Marfan. Đặc biệt khi trong gia đình có người thân mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, ung thư nguyên bào võng mạc, glaucoma bẩm sinh, bệnh Leber, viêm võng mạc sắc tố, cần đưa trẻ đến khám và điều trị sớm để có kết quả điều trị tốt.
Khuyến nghị lịch khám sàng lọc thị giác ở trẻ:
- Lịch khuyến nghị
- Lần 1: 6 tháng-1 tuổi
- Lần 2: 3-5 tuổi
- ≥ 6 tuổi: hằng năm
- Khi có các dấu hiệu cảnh báo
- Trẻ sinh non:
- Tuổi thai ≤ 34 tuần
- Cân nặng khi sinh ≤ 2kg
ThS.BS Võ Thị Bảo Châu
Phó Trưởng Bộ môn Khúc xạ Nhãn khoa
Trường Đại học Y khoa Phạm Nhọc Thạch