Theo NCBI, cứ 10 nhân viên y tế thì có 1 người từng gặp rủi ro nghề nghiệp nghiêm trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhận diện và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tại cơ sở khám chữa bệnh không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế, mà còn là nền tảng đảm bảo chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

An toàn cho nhân viên y tế

Nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm với rất nhiều yếu tố nguy hại cho sức khỏe như: vi sinh vật, yếu tố vật lý, hóa học, chất thải y tế và ecgonomi. Việc nhận diện đúng các yếu tố nguy cơ là bước đầu tiên để xây dựng môi trường làm việc an toàn và hiệu quả cho nhân viên y tế.

  1. Vi sinh vật

Vi sinh vật là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh nghề nghiệp trong ngành y. Nhân viên y tế có thể bị lây nhiễm qua máu, dịch tiết, hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh phẩm từ bệnh nhân. Để phòng ngừa những bệnh do vi sinh vật gây ra một cách hiệu quả, cần cắt đứt ít nhất một trong ba yếu tố: nguồn lây, đường lây, vật chủ. Điều này có thể thực bằng cách khử khuẩn, xử lý rác thải đúng quy trình, sử dụng trang phục bảo hộ, rửa tay theo đúng khuyến cáo và chủ động tiêm vắc-xin…

5 thời điểm nhân viên y tế cần rửa tay. Nguồn: Giây phút cứu mạng – hãy rửa tay sạch sẽ!

  1. Yếu tố vật lý

Tiếp xúc với tia X, tia phóng xạ trong chẩn đoán hình ảnh, xạ trị hay các thiết bị dùng tia UV, laser… là nguyên nhân âm thầm dẫn đến tổn thương mô, đục thủy tinh thể, ung thư. Vì vậy, nhân viên y tế cần tuân thủ nguyên tắc về thời gian tiếp xúc, khoảng cách, che chắn. Bên cạnh đó, để phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, việc khám sức khỏe định kỳ cần được thực hiện theo từng nhóm nguy cơ cụ thể:

  • Đối với nhân viên tiếp xúc với chất phóng xạ: Cần đặc biệt chú ý khám da, khám mắt và làm xét nghiệm huyết đồ định kỳ. Ngoài ra, có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm phát hiện sớm các biểu hiện bất thường liên quan đến phơi nhiễm phóng xạ.
  • Đối với nhân viên làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn: Cần tiến hành đo thính lực định kỳ để đánh giá nguy cơ giảm thính lực do tiếng ồn kéo dài.

Nguyên tắc trong đảm bảo an toàn bức xạ. Nguồn: Hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế

  1. Hóa chất

Dung dịch sát khuẩn, chất tẩy uế, formaldehyde hay hóa chất dùng trong xét nghiệm đều có thể gây kích ứng, độc tính, tổn thương hô hấp, da và mắt. Do đó, nhân viên y tế cần trang bị bảo hộ đúng chuẩn, hiểu rõ độc tính của hóa chất, nhận biết sớm dấu hiệu nhiễm độc và xử trí ban đầu đúng cách để giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc với hóa chất.

  1. Ecgonomi (công thái học)

Áp lực công việc, trực đêm, chứng kiến bệnh nặng – tử vong thường xuyên… khiến nhân viên y tế có nguy cơ cao gặp phải stress, rối loạn lo âu, trầm cảm. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of Environmental Research and Public Health (MDPI, 2022), khoảng 10% nhân viên y tế Đông Nam Á có triệu chứng lo âu vừa, 4% trầm cảm vừa, và gần 20% trải qua kiệt sức nghề nghiệp sau đại dịch COVID-19. Việc bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục, tham vấn tâm lý định kỳ là giải pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần cho đội ngũ y tế.

An toàn người bệnh

Nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh tại cơ sở y tế, Tổ chức Chứng nhận Chất lượng Quốc tế (JCI) đã đưa ra 6 nguyên tắc:

  1. Nhận diện đúng người bệnh

Nhân viên y tế luôn phải xác định chính xác tên, tuổi, giới tính của bệnh nhân trước khi bắt đầu quy trình khám bệnh, tuyệt đối không nhận diện người bệnh dựa vào số giường hay số phòng.
Sổ khám bệnh tích hợp mã vạch đảm bảo đúng và đủ thông tin về người bệnh

  1. Nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin

Thông tin bàn giao người bệnh, y lệnh cần rõ ràng, cụ thể. Khi tiếp nhận thông tin chưa rõ ràng, nhân viên y tế cần chủ động hỏi lại để tránh hiểu sai, gây hậu quả không mong muốn. Tại các cơ sở y tế, y lệnh bằng văn bản luôn được ưu tiên nhằm hạn chế sai sót. Tuy nhiên, trong những tình huống khẩn cấp như tại khoa cấp cứu, việc sử dụng y lệnh miệng là điều khó tránh. Trong những trường hợp này, người ra y lệnh cần truyền đạt dứt khoát, chính xác, và người nhận lệnh phải xác nhận lại để đảm bảo tính an toàn cho người bệnh.

  1. Đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc nguy cơ cao

Việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân phải đảm bảo đúng bệnh, hiệu quả điều trị cao, an toàn, ít tác dụng phụ, giá thành hợp lý và phù hợp với cơ địa người bệnh. Trước khi giao thuốc, nhân viên y tế cần kiểm tra, đối chiếu kỹ lưỡng, lý tưởng nhất là bệnh nhân sử dụng thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, tất cả chỉ định thuốc trong bệnh án hoặc toa thuốc cần ghi rõ ràng: tên thuốc, hàm lượng, đường dùng, số lần dùng, thời điểm dùng (trước/sau ăn…). Đồng thời, nên sử dụng toa thuốc điện tử để giảm sai sót và tăng hiệu quả quản lý.

  1. Đảm bảo an toàn trong phẫu thuật

Để phòng tránh nhầm lẫn nghiêm trọng trong phẫu thuật, nhân viên y tế cần thực hiện đầy đủ các biện pháp sau:

  • Xác định chính xác người bệnh và loại phẫu thuật được chỉ định.
  • Đánh dấu rõ ràng vị trí phẫu thuật.
  • Thực hiện kiểm tra cuối cùng về thông tin người bệnh và vị trí phẫu thuật ngay trước khi rạch da.
  • Áp dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật trong suốt quy trình nhằm đảm bảo không bỏ sót bước quan trọng nào.

Bảng kiểm quy trình nội soi tiêu hóa trên tại Phòng khám Đa khoa Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

  1. Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình xử lý rác thải y tế và thiết bị y tế sau mỗi lần sử dụng.

  1. Giảm nguy cơ té ngã cho người bệnh
  • Lắp đặt tay vịn tại các khu vực hành lang, nhà vệ sinh, buồng bệnh.
  • Đặt biển cảnh báo rõ ràng ở các khu vực dễ trơn trượt, đặc biệt khi đang vệ sinh sàn.Sử dụng vật liệu chống trơn hoặc kẻ vạch cảnh báo tại các khu vực nguy cơ cao (như bậc thang, khu vực chuyển tiếp giữa nền gạch – sàn nhựa…).

Kết luận

Việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh tại tuyến y tế cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng. Khi nhân viên y tế được làm việc trong môi trường an toàn, họ mới có thể yên tâm cống hiến và chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn nghề nghiệp và sai sót y khoa, mà còn góp phần xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, hướng đến mục tiêu phát triển y tế toàn diện và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bài thuyết trình về “An toàn cho nhân viên y tế, an toàn người bệnh tại tuyến Y tế cơ sở” của ThS.BS Phan Nguyễn Minh Thảo – Bác sĩ Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Công đoàn bộ phận Phòng khám Đa khoa Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
  2. NCBI. Occupational Hazards among Healthcare Workers in Africa. Truy cập ngày 12/07/2025, từ: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC6634430/
  3. NCBI. The Psychological Well‑Being of Southeast Asian Frontline Healthcare Workers during COVID‑19. Truy cập ngày 14/07/2025, từ: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35681966/