VAI TRÒ VÀ LỢI ÍCH CỦA BÁC SĨ GIA ĐÌNH

TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG

  1. VAI TRÒ CỦA BÁC SĨ GIA ĐÌNH TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG

Y học gia đình và Bác sỹ gia đình là gì?

Y học gia đình là chuyên ngành y học cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và gia đình ở mọi lứa tuổi cho cả nam lẫn nữ. Bác sĩ gia đình là một thành viên của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm ngăn ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe. Bác sĩ gia đình cũng là một chuyên khoa độc lập, như các chuyên khoa ngoại, sản, nhi khoa, tâm thần…

Người dân có thể mong đợi gì ở Bác sĩ gia đình?

  • Theo dõi tình trạng sức khỏe chung của mỗi cá nhân.
  • Tư vấn cho cá nhân khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe phát sinh.
  • Tư vấn thực hiện chủng ngừa ở trẻ.
  • Theo dõi và điều chỉnh các bệnh mãn tính như tăng mỡ máu, loãng xương, cao huyết áp…
  • Phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là các bệnh ung thư. Bác sĩ gia đình thường theo hướng dẫn của các hiệp hội chuyên ngành trong vấn đề tầm soát ung thư định kỳ ở nam và nữ như: tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi năm.
  • Phối hợp với các Bác sĩ chuyên khoa để có chế độ điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Vì sao chúng ta cần bác sĩ gia đình ngày hôm nay?

  • Không phải là một bác sĩ chuyên khoa có thể khám và điều trị mọi bệnh tật, nhưng Bác sĩ gia đình lại là người vô cùng cần thiết cho gia đình bạn.
  • Bác sĩ gia đình là người theo dõi định kỳ tình trạng sức khỏe của toàn bộ các thành viên trong gia đình.
  • Họ cũng chính là người phát hiện sớm các bệnh tật cũng như lưu trữ hồ sơ sức khỏe.
  • Bác sĩ gia đình còn phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân. Khi xã hội phát triển, nhu cầu phòng bệnh khiến việc lựa chọn một bác sĩ gia đình uy tín để giám sát sức khỏe cho cả gia đình.
  1. LỢI ÍCH CỦA BÁC SĨ GIA ĐÌNH TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG

Thực tế cho thấy, mạng lưới cơ sở y tế ở nước ta tuy đã phát triển nhưng chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, cũng như chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Vì vậy, y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và y học gia đình là mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và hộ gia đình. Mô hình y học gia đình là giải pháp rất hiệu quả để chăm sóc sức khỏe, phát hiện sớm bệnh lý, can thiệp kịp thời, giảm biến chứng. Khi triển khai thành công mô hình y học gia đình sẽ mang lại hiệu quả giảm chi phí y tế, tăng tuổi thọ người dân, giảm tỷ lệ bệnh nặng, tăng sự hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế, bảo đảm công bằng trong chăm sóc y tế. Mặt khác, triển khai hoạt động y học gia đình hiệu quả không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế. Do đó, phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những giải pháp mà ngành y tế sẽ triển khai thực hiện nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.

Chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình là sơ cứu, khám chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp tại phòng khám hoặc tại nhà người bệnh; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Bác sĩ gia đình là người tư vấn, đối chiếu sự thay đổi các chỉ số xét nghiệm được lưu trữ qua nhiều năm theo dõi cho từng cá nhân và hộ gia đình. Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện, liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Hoạt động của bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ chuyên khoa và tiết kiệm được chi phí nằm viện cho bệnh nhân, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh và gia đình. Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo mô hình y học gia đình là phương thức tiên tiến, hiệu quả nhất hiện nay, đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia. Vì vậy, mô hình y học gia đình tại Việt Nam đang được nhiều người mong đợi để áp dụng cho bản thân và gia đình.