Kinh nguyệt là hiện tượng ra huyết âm đạo có chu kỳ do bong lớp màng rụng nội mạc tử cung do thay đổi nội tiết buồng trứng, thể hiện hoạt động của buồng trứng và nội mạc tử cung

Bé gái có kinh lần đầu khoảng 12 – 13 (dậy thì) với chu kỳ kinh 28 ± 7 ngày (21 – 35 ngày), hành kinh khoảng 2 – 6 ngày, lượng kinh khoảng 20 – 60ml.

Hình 1: Chu kỳ buồng trứng – Chu kỳ tử cung

Phân biệt một số thuật ngữ

  • Rong kinh: kinh có đúng chu kỳ nhưng kéo dài > 7 ngày.
  • Rong huyết: kinh không nhiều nhưng không đều, không đúng chu kỳ kinh.
  • Xuất huyết giữa chu kỳ: ra huyết ít giữa 2 chu kỳ đều đặn, do giảm đột ngột nồng độ Estrogen.
  • Cường kinh: lượng kinh nhiều hơn bình thường, thường do cường Estrogen.
  • Thiểu kinh (kinh ít): lượng kinh mỗi chu kỳ rất ít
  • Kinh thưa: chu kỳ kinh dài > 35 – 40 ngày
  • Đa kinh (kinh mau): chu kỳ kinh ngắn < 21 ngày
  • Vô kinh: không có kinh, có thể gặp vô kinh nguyên phát hoặc thứ phát

Hình 2: Các giai đoạn của chu kỳ kinh

Nguyên nhân

  • Nhóm nguyên nhân lành tính: rối loạn kinh nguyệt cơ năng (hay gặp quanh tuổi dậy thì – tiền mãn kinh – mãn kinh); tổn thương thực thể cơ quan sinh dục lành tính (u xơ tử cung, polyp, lạc nội mạc tử cung, lao sinh dục, dị dạng tử cung, teo âm đạo, mất cân bằng nội tiết …); các vấn đề liên quan đến sinh sản (động thai, doạ sảy thai, sảy thai < 20 tuần, bệnh nguyên bào nuôi, biến chứng của thai kỳ như sót nhau, viêm nội mạc tử cung, thai ngoài tử cung, chảy máu 3 tháng cuối thai kỳ…); bệnh toàn thân và nội khoa (không dung nạp Gluten, dinh dưỡng kém, các bệnh về máu, bệnh lý toàn thân nặng); do thuốc và dụng cụ tử cung (thuốc chống đông máu, tác dụng phụ của thuốc Tamoxifen, đặt dụng cụ tử cung, thuốc tiêm/ cấy tránh thai …); nhiễm trùng, chấn thương
  • Tổn thương tiền ung và ung thư: tổn thương tiền ung (tăng sinh nội mạc tử cung) hoặc ung thư đường sinh dục
STT Tuổi Nguyên nhân gây xuất huyết âm đạo theo nhóm tuổi
1 Trước dậy thì – Dậy thì sớm, u
2 Dậy thì – Nguyên nhân chức năng, rối loạn đông máu, khối u, viêm, biến chứng mang thai
3 Sinh sản – Biến chứng mang thai, nguyên nhân chức năng, u xơ tử cung, viêm sinh dục, polyp, u ác, chấn thương, rối loạn tuyến giáp
4 Quanh mãn kinh – Nguyên nhân chức năng, ung thư (nội mạc, buồng trứng)

– Viêm sinh dục, biến chứng mang thai, rối loạn tuyến giáp

5 Mãn kinh – Viêm teo nội mạc tử cung, dùng Estrogen, ung thư nội mạc tử cung, polyp, tăng sinh nội mạc tử cung, khác (ung thư, chấn thương)

Hình 3: Kích thước polyp lòng tử cung khác nhau giữa những người bệnh

Chẩn đoán

  • Hỏi kỹ bệnh sử – tiền sử của khách hàng đến khám
  • Khám lâm sàng: khám tổng trạng, khám phụ khoa
  • Thực hiện xét nghiệm: loại trừ mang thai, công thức máu, xét nghiệm nội tiết, tầm soát tế bào cổ tử cung, hình ảnh học (siêu âm phụ khoa, siêu âm bơm nước lòng tử cung, nội soi buồng từ cung chẩn đoán, sinh thiết nội mạc tử cung …)

Điều trị

Tùy theo nguyên nhân

  • Điều trị triệu chứng: cầm máu, kháng viêm, điều trị nội tiết
  • Điều trị ngoại khoa