Tăng huyết áp và cách theo dõi tại nhà

Tăng huyết áp (cao huyết áp) là gì?

Tăng huyết áp là khi  huyết áp tối đa bằng hoặc lớn hơn 140mmHg hoặc số huyết áp tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 90mmHg. Tăng áp chia làm 3 mức độ:
  • Tăng huyết áp độ 1 (tăng huyết áp nhẹ): khi trị số huyết áp tối đa từ 140 – 159mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 90 – 99mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2 (tăng huyết áp trung bình): khi huyết áp tối đa từ 160 – 179mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 100 – 109mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3 (tăng huyết áp nặng): khi huyết áp tối đa đo được từ 180mmHg trở lên hoặc huyết áp tối thiểu từ 110mmHg trở lên. 
Đối với người bệnh tăng huyết áp được điều trị tại nhà thì vấn đề khống chế huyết áp và theo dõi để kiểm soát các yếu tố làm tác động đến sức khoẻ là rất quan trọng, đó là: các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch; các yếu tố nguy cơ gây tổn thương nội tạng trong cơ thể do tăng huyết áp; tăng huyết áp kèm theo bệnh đái tháo đường. Khi càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng bị tai biến do bệnh tăng huyết áp càng tăng lên.

Các nguyên tắc trong chăm sóc người bệnh tăng huyết áp tại nhà:

Để điều trị tốt bệnh tăng huyết áp và phòng ngừa nguy cơ, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
  • uống thuốc và áp dụng chế độ ăn nhạt, điều trị các bệnh kèm theo
  • bỏ những thói quen xấu như uống nhiều rượu; hút thuốc lào, thuốc lá
  • giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái căng thẳng, xúc động, lo âu
  • thường xuyên tập thể dục vừa sức ít nhất 30 phút mỗi ngày, 3 lần trong một tuần.
Trong điều trị tăng huyết áp, việc dùng thuốc để khống chế huyết áp dưới mức 140/90mmHg là rất cần thiết. Ở gia đình, người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, khám lại đúng kỳ hẹn, không nên tự ý mua thuốc hạ huyết áp để uống hay uống thuốc theo chỉ dẫn của người quen, lối xóm hay bạn bè không phải là bác sĩ. Các sai lầm cần tránh khi điều trị tăng huyết áp tại nhà:
  • Tự mua thuốc hạ huyết áp để uống. Đã có nhiều trường hợp phải đến bệnh viện cấp cứu do tự uống thuốc hạ huyết áp.
  • Chỉ chữa bệnh khi huyết áp tăng cao và ngừng thuốc khi huyết về bình thường.
  • Uống lâu dài với một đơn thuốc mà không khám lại để đánh giá diễn tiến của bệnh.
Để bảo đảm hiệu quả trong quá trình điều trị và theo dõi huyết áp tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ các cách sau:
  • Phải có sổ theo dõi huyết áp: trong sổ ghi số đo huyết áp mỗi ngày 1-2 lần, cần đưa sổ này cho bác sĩ điều trị mỗi lần tái khám.
  • Cách dùng máy đo huyết áp điện tử tại nhà: nên đo huyết áp 1-2 lần trong ngày. Cần nhớ phải nằm nghỉ tuyệt đối khoảng 15 phút trước khi đo. Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá. Không nên đo huyết áp sau khi ăn hoặc khi mới ngủ dậy.
  • Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ thì nên chủ động tới bác sĩ chuyên khoa tim mạch để khám, không chờ đến hẹn để chủ động ngăn ngừa tai biến do tăng huyết áp.