- Bệnh mạn tính là gì?
Theo CDC Hoa Kỳ, bệnh mãn tính được định nghĩa là những bệnh lý kéo dài từ 1 năm trở lên, đồng thời cần được chăm sóc y tế liên tục hoặc hạn chế các hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc cả hai.
Theo thống kê của hội đồng quốc gia về lão hóa (NCOA), 10 bệnh lý mạn tính thường gặp nhất ở người trên 65 tuổi là: Tăng huyết áp, Rối loạn mỡ máu, Viêm khớp, Bệnh mạch vành, Đái tháo đường, Bệnh thận mạn, Suy tim, Trầm cảm, Suy giảm trí nhớ, COPD.
- Tuân thủ điều trị các bệnh lý mạn tính
- Lối sống:
Vận động thể lực:
- Các hoạt động thể lực có thể bao gồm chơi các môn thể thao phù hợp với khả năng của mình, có thể là đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, aerobic, cầu lông, bơi lội,… Các công việc nhà như giặt giũ, quét dọn nhà cửa, rửa bát, trông trẻ,… cũng được tính là có vận động thể lực.
- Vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Không ngồi một chỗ lâu quá 90 phút.
- Có thói quen vận động đều đặn, không nghỉ vận động quá 2 ngày
Dinh dưỡng:
- Chế độ dinh dưỡng nên được cá thể hóa, phù hợp với bệnh lý hiện có, phù hợp với điều kiện kinh tế, thói quen sinh hoạt của mỗi người.
- Việc lựa chọn và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cần tham khảo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng
Các thói quen khác:
- Nên có thói quen theo dõi sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng – 1 năm, tái khám đúng hẹn của bác sĩ.
- Tránh hút thuốc lá
- Giảm sử dụng rượu, bia, thức uống có cồn
- Không sử dụng các chất kích thích
- Tránh căng thẳng, giận dữ
- Dùng thuốc
Dùng thuốc đúng cữ:
Sử dụng đúng theo cữ thuốc được bác sĩ điều trị chỉ định trong toa thuốc, bao gồm cữ sáng, trưa, chiều, tối. Sử dụng các hộp phân chia cữ thuốc trong ngày, trong tuần để là một trong những biện pháp hiệu quả để không bỏ sót cữ thuốc.
Dùng thuốc đúng thời điểm:
Nên dùng thuốc đúng thời điểm so với bữa ăn, tức là trước bữa ăn hay sau bữa ăn, tùy theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để đạt được hiệu quả hấp thu tốt nhất, tránh một số tác dụng phụ không mong muốn có liên quan đến bữa ăn. Thông thường, thời điểm sử dụng hiệu quả nhất đối với từng loại thuốc sẽ được ghi chú trong toa thuốc mà bác sĩ điều trị chỉ định cho bệnh nhân.
Dùng thuốc đúng cách: Sử dụng thuốc đúng cách tức là đúng theo hướng dẫn của bác sĩ như:
-
- Uống nhiều nước đối với các loại thuốc uống
- Đúng kĩ thuật tiêm insulin, đúng vị trí tiêm đối với bệnh nhân đái tháo đường sử dụng bút tiêm hoặc bơm tiêm insulin
- Đúng kĩ thuật sử dụng bình xịt định liều đối với các bệnh nhân hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có sử dụng bình xịt định liều
- Lợi ích của việc tuân thủ điều trị các bệnh lý mạn tính
Việc tuân thủ điều trị các bệnh lý mạn tính nói chung sẽ mang lại các lợi ích sau cho bệnh nhân:
- Cải thiện triệu chứng
- Nâng cao chất lượng cuộc sống
- Giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng
- Giảm nguy cơ nhập viện
- Làm chậm tiến triển của bệnh
- Giảm tỉ lệ tử vong
Các lợi ích cụ thể trong từng nhóm bệnh lý riêng biệt như sau:
- Các bệnh lý tim mạch mạn tính
Việc tuân thủ điều trị các bệnh lý tim mạch mạn tính giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch ở bệnh nhân như nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ.
Theo một thống kê phân tích gộp, cứ mỗi 20% gia tăng mức độ tuân thủ điều trị thuốc tim mạch sẽ làm giảm 9% nguy cơ xuất hiện biến cố tim mạch, giảm 18% nguy cơ đột quỵ và giảm 10% nguy cơ tử vong
- Đái tháo đường
Việc tuân thủ điều trị đối với bệnh lý đái tháo đường, trước tiên sẽ giúp kiểm soát tốt đường huyết. Hơn nữa, việc tuân thủ điều trị đối với bệnh lý đái tháo đường sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng cấp như nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu, hạ đường huyết, các biến chứng mạn như loét, nhiễm trùng bàn chân, giảm thị lực, bệnh thận do đái tháo đường, đột quỵ,…
- Bệnh thận mạn
Việc tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân bệnh thận mạn trước tiên sẽ giúp giảm nguy cơ xuất hiện đợt tổn thương thận cấp. Về lâu dài, việc này sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn.
Tóm lại, các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính nên có cho mình lối sống phù hợp, sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, có thói quen tái khám đúng lịch hẹn, kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng – 1 năm để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, nâng cao chất lượng cuộc sống trong quá trình chăm sóc và điều trị các bệnh lý mạn tính của bản thân mình.
BS. Phan Nguyễn Minh Thảo
Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ, Đơn vị Nội 2
Phòng khám Đa khoa
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch