An illustration of a young family

CHĂM SÓC VÀ HƯỚNG DẪN CON BƯỚC VÀO NĂM HỌC MỚI

Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ sẽ gắn liền với những thay đổi về thể chất và tinh thần, đặc biệt là những chuyển biến về cảm xúc khi trẻ dần phải tập quen với việc xa rời vòng tay cha mẹ để bước chân vào môi trường học tập. Trong giai đoạn này, các bậc phụ huynh cũng sẽ có những lo lắng, những nỗi niềm riêng. Vậy giải pháp nào để cha mẹ có thể giúp con bước vào môi trường học tập một cách thoải mái, không bị xáo trộn về mặt cảm xúc cũng như tạo sự an tâm nơi chính bản thân mình khi thấy con dần khôn lớn và thoát khỏi sự chở che của gia đình?

The National Student Survey gets student satisfaction wrong | Student

Hình 1. Trẻ có cảm xúc tích cực sẽ dễ tìm thấy niềm vui trong học tập cũng như dễ dàng mở lòng để đón nhận nhiều điều hay và ý nghĩa trong cuộc sống
Nguồn: https://www.linkedin.com/

Bên cạnh sự phát triển toàn diện về thể chất, việc củng cố sức khoẻ tinh thần cũng rất quan trọng. Cảm xúc tích cực có thể giúp trẻ:[2]

  • Mở rộng suy nghĩ, tìm được giải pháp cho nhiều vấn đề, nhạy hơn trong phản ứng với các tình huống
  • Đẩy lùi sự tiêu cực, giảm sự căng thẳng, nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần
  • Cải thiện đáng kể màu sắc thế giới quan của trẻ, trẻ đón nhận các mối quan hệ xung quanh một cách tích cực, biết quan tâm, biết trân trọng và yêu thương mọi người hơn

An illustration of a young family

Hình 2. Người lớn hay trẻ con đều có những khó khăn và lo lắng của riêng mình, nhận thức được những bận tâm của con sẽ dễ giúp các bậc cha mẹ tìm được giải pháp để gắn kết với con trẻ
Nguồn: PARENTS: Loughborough University, Expert shares practical ideas for helping children and babies with their physical development at home,2020

     Những khó khăn trẻ hay gặp khi bước vào năm học mới:[4]

  • Thay đổi môi trường học tập và bạn bè
  • Kiến thức ngày một nâng cao và đổi mới
  • Người lớn không có nhiều thời gian cho trẻ, trẻ dành thời gian tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử và mạng xã hội để tìm kiếm sự giải trí và những sự mới mẻ

     Những trở ngại của người lớn trong việc gần gũi với con:[4]

  • Do tính chất công việc nên cha mẹ không có nhiều thời gian bên con
  • Khoảng cách về tuổi tác, khó kiếm chủ đề chung để chuyện trò với nhau
  • Nền giáo dục đổi mới, người lớn không nắm bắt kịp cách tiếp cận kiến thức của con trẻ

     Sau đây là một số giải pháp các bậc phụ huynh có thể áp dụng để cùng con bước vào năm học mới:[3, 4]

Nguồn: https://www.flaticon.com/

  • Thiết lập kế hoạch: có một kế hoạch hay thời gian biểu trong ngày giúp con dần hình thành thói quen cũng như không bị cập rập khi bước vào năm học mới.
  • Tạo không gian học tập hiệu quả: Thiết lập một không gian riêng với bàn ghế phù hợp và đầy đủ ánh sáng giúp con tăng sự tập trung đồng thời gợi lên động lực học tập cho con.
  • Trò chuyện về kỳ vọng: những cuộc trò chuyện với con là cần thiết, nhất là khi đã làm rõ những mục tiêu người lớn trông đợi ở mình, trẻ sẽ cảm thấy có định hướng và nhẹ nhõm hơn, đồng thời tăng tính trách nhiệm ở trẻ. Một cuộc trò chuyện hiệu quả cần đảm bảo các yếu tố như: sự lắng nghe tích cực từ hai phía, sự tôn trọng và ủng hộ lựa chọn của con, không áp đặt cảm xúc của bản thân lên con trẻ.
  • Tham quan trường: cho con đi tham quan nhiều ngôi trường và để con chọn trường con muốn theo học, con có cơ hội làm quen và gặp gỡ thầy cô, bạn bè, những người mà sau này con sẽ gắn bó lâu dài.
  • Sắp xếp dụng cụ học tập cùng con: dẫn con đi mua sắm và sắp xếp đồ dùng học tập giúp nâng cao sự phấn khích, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và ý thức tự tổ chức trong con.
  • Khuyến khích thói quen lành mạnh: chế độ dinh dưỡng cân bằng, thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, vệ sinh sạch sẽ giúp nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ.
  • Nuôi dưỡng cảm xúc: khuyến khích con chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, hỏi thăm con về những niềm vui và khó khăn khi đi học, cùng con thảo luận những cách vượt qua khó khăn…
  • Hoạt động ngoại khoá: giúp trẻ phát triển toàn diện, khám phá sở thích của bản thân, tương tác với xã hội, thúc đẩy kỹ năng quản lý thời gian cũng như tăng sự tự tin trong con.
  • Duy trì kết nối: tham gia các hoạt động của trường hoặc hội họp phụ huynh – giáo viên, sử dụng các thiết bị công nghệ để liên lạc với nhà trường, kịp thời cập nhật thông tin và giúp đỡ trẻ khi cần, tuy nhiên cần lưu ý không để trẻ cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư của bản thân.
  • Thúc đẩy thái độ tích cực: dùng những câu truyền động lực tích cực như “Con có thể làm được”, khuyến khích con thực hành lòng biết ơn, tôn vinh những nỗ lực và tiến bộ của con, cho con cảm giác rằng gia đình luôn là điểm tựa của con.

Hình 3. Một chiếc ôm tưởng như đơn giản nhưng là nguồn động lực to lớn với trẻ khi cần
Nguồn: https://www.freepik.com/

Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng tích luỹ lâu ngày có thể dẫn đến sự suy giảm về trí nhớ, hệ miễn dịch cũng như khiến trẻ dần khép mình với xã hội. Một cái ôm có thể giúp trẻ thấy hạnh phúc hơn, giảm căng thẳng, tăng khả năng chữa lành cảm xúc, cũng như tăng tính gắn kết với gia đình và mọi người xung quanh.[1]

     Như vậy, không khó để tìm kiếm hành trang cho con vững bước vào năm học mới. Quan trọng nhất có lẽ là sự đồng hành của bậc cha mẹ, là điểm tựa, là tấm gương soi cho con, là nơi giúp con xây dựng và củng cố trí tuệ cảm xúc, từ đó con tự hình thành những thói quen tích cực và luôn sẵn sàng dù trong bất kỳ môi trường học tập nào.

ThS. Phan Thị Hoài Yến

Tâm lý gia khoa Tâm thể Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức

Cộng tác viên Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Tài liệu tham khảo:

1. Pamela Li (2016), The Importance Of Hugging Your Child & 7 Amazing Benefits, truy cập ngày-2024, tại trang web https://www.parentingforbrain.com/children-hugging/.

2. Jeremy Sutton (2016), 5+ Benefits of Positive Emotions on Psychological Wellbeing, truy cập ngày-2024, tại trang web https://positivepsychology.com/benefits-of-positive-emotions/.

3. Top 10 Ways Parents Can Help Their Kids Prepare for the New School Year, truy cập ngày-2024, tại trang web https://www.peacheycounselling.ca/blog/2024/top-10-ways-parents-can-help-their-kids-get-ready-for-the-new-school-year.

4. ThS. Phan Thị Hoài Yến (2024), Chăm sóc và hướng dẫn con bước vào năm học mới, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.