“Vì sao trẻ thường xuyên khóc – dinh dưỡng hợp lý trong hai năm đầu đời” là chủ đề của chương trình Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tháng 6 của Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã được diễn ra vào sáng 11/6/2022.

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tặng hoa cho các báo cáo viên

Tham gia chương trình có 2 báo cáo viên là chuyên gia Nhi khoa và Dinh dưỡng,️ PGS. TS. BS Trần Thị Mộng Hiệp – Cố vấn chuyên môn Phòng khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TS. BS Trần Quốc Cường – Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Đối với trẻ 2 tuổi thường hay khóc đêm, thường là do thiếu chất, rối loạn tiêu hóa, cũng có thể đến từ bệnh lý… Vì có nhiều nguyên nhân như thế nên mẹ thường rất hoang mang, không thể tìm ra lý do và giải pháp chính xác cho tình trạng này. Đó cũng chính là nguyên nhân mà Phòng khám thực hiện chương trình truyền thông, giúp các bà mẹ tiếp cận chuyện gia tìm ra nguyên nhân và giải pháp chăm sóc trẻ tốt hơn.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ thông tin tại chương trình

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: chương trình truyền thông “Vì sao trẻ thường xuyên khóc – dinh dưỡng hợp lý trong hai năm đầu đời”, là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Dựa trên sự hiểu biết đúng đắn, các thành viên trong gia đình, trong xã hội cùng thực hiện việc đúng đắn việc chăm sóc – nuôi dưỡng trẻ, để thế hệ trẻ phát triển một cách toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, góp phần định hình một thế hệ tương lai khỏe mạnh, cùng với sự giáo dục tốt sẽ góp phần xây dựng, hình thành một thế hệ tương lai có ích cho xã hội, cho đất nước.

Theo các chuyên gia, trong 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển của một con người về thể chất và trí tuệ. Dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn này sẽ giúp cho trẻ có một nền tảng sức khỏe tốt trong suốt cuộc đời. Ngược lại, không giải quyết tốt vấn đề dinh dưỡng phát sinh trong giai đoạn này sẽ để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe trong tương lai. Vì trẻ từ 1 đến 2 tuổi có nhu cầu ngủ 14 – 16 tiếng/ngày. Với trẻ nhỏ, thời gian ngủ không chỉ để nghỉ ngơi, mà đó còn là khoảng thời gian trẻ phát triển các cơ quan như: cơ bắp, xương, tim… Đồng thời ngủ cũng giúp hồi phục lại một lượng năng lượng rất lớn đã tiêu hao buổi ngày.

Nếu giấc ngủ của trẻ được đảm bảo về cả chất lượng và số lượng, trẻ sẽ được phát triển một cách toàn diện, về mặt thể chất, tinh thần và trí tuệ. Ngược lại, nếu không được đủ giấc, trẻ khóc đêm nhiều sẽ có biểu hiện bơ phờ, mệt mỏi, dễ dàng cáu gắt, mất khả năng tập trung. Trẻ sẽ không được phát triển thể lực, chiều cao một cách toàn diện như các bạn bè đồng trang lứa khác.

Vì vậy, nguyên nhân trẻ khóc đêm cũng có thể đến từ việc đói bụng hay mệt mỏi quá sức, cũng có thể do ban ngày trẻ vui chơi, hoạt động quá mức, các bà mẹ trẻ nên lưu ý các biểu hiện như: bé đi ngủ muộn hơn, quấy khóc, ủ rũ trước khi đi ngủ, hoặc thức giấc giữa đêm, đòi ăn… Ngoài ra còn có một số yếu tố khác như: bỉm ướt, tịt mũi, sổ mũi, khó chịu khi mọc răng… Trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét cũng có thể do bệnh lý như: rối loạn đường tiêu hóa hay thiếu vitamin D3, K2 và Canxi.

Qua chương trình, các chuyên gia đã báo cáo chuyên đề trọng tâm của tháng đã giúp nhiều bậc phụ huynh, đại biểu tham dự chương trình nắm được những thông tin hữu ích, tìm hiểu vì sao trẻ hay khóc đêm, tránh được các nguyên nhân do tâm lý gây ra, để nuôi dưỡng hợp lý cho trẻ trong giai đoạn đầu đời, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện trong tương lai.

Nguồn: HCM CityWeb – https://hochiminhcity.gov.vn/