CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN GIẤC NGỦ VÀ SƯƠNG MÙ NÃO HẬU COVID-19

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ

Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

Bệnh nhân hậu Covid-19 (3 tháng sau bị Covid-19) thường bị rối loạn giấc ngủ và sương mù não làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc. Do vậy việc chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp rối loạn giấc ngủ và sương mù não là cần thiết.

Hình 1: Vệ sinh giấc ngủ trước khi ngủ

Rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19 thường chiếm tỷ lệ 11 – 35% và thường do nhiều nguyên nhân khác nhau như là lo lắng về tình trạng bệnh, căng thẳng quá mức, hoặc do ảnh hưởng các di chứng khác của hậu Covid. Ngoài ra, một tỷ lệ rất thấp bệnh nhân hậu Covid-19 bị rối loạn giấc ngủ do di chứng của tổn thương viêm toàn thân và tại một số vùng trên não do phản ứng viêm do cytokine. Các rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân hậu Covid-19 bao gồm mất ngủ, buồn ngủ ban ngày quá mức, ngủ ngáy – ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, ác mộng. Do vậy, cải thiện chất lượng giấc ngủ bệnh nhân hậu Covid-19 sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi và các di chứng thần kinh khác của hậu Covid-19 như là sương mù não, rối loạn cảm giảm, lo âu – trầm cảm, rối loạn tính khí. Đặc biệt những bệnh nhân hậu Covid-19 bị rối loạn giấc ngủ thường là phụ nữ, người lớn tuổi bị Covid-19, những người có biểu hiện lo âu – trầm cảm trong thời gian bị Covid-19, những người chịu ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế xã hội do dịch COVID – 19 và những người mắc các bệnh lý mãn tính. Việc điều trị rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19 chủ yếu là cải thiện tình trạng tâm lý, tránh lo lắng và căng thẳng quá mức; tránh các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến giấc ngủ như áp lực công việc, thời gian ngủ không đủ hoặc không hợp lý; thực hiện việc vệ sinh giấc ngủ như ngủ đúng giờ, tránh sử dụng trà hoặc cà phê trước khi ngủ, tránh vận động quá sức trước khi ngủ, tránh sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại trên giường ngủ. Những trường hợp rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19 nặng không cải thiện sau khi thực hiện vệ sinh giấc ngủ thì nên thăm khám chuyên khoa y học giấc ngủ để được hướng dẫn điều trị thích hợp.

Hình 2: Các biểu hiện lâm sàng của người bệnh mắc Hội chứng Sương mù não

Bên cạnh rối loạn giấc ngủ, sương mù não hậu Covid-19 cũng là tình trạng bệnh lý hay được người bị Covid-19 than phiền sau 3 tháng và chiếm tỷ lệ khoảng 25 – 35% trường hợp. Triệu chứng chính của sương mù não là tình trạng hay quên, khó tập trung và giảm khả năng diễn đạt ngôn ngữ hay tư duy so với trước khi bị mắc bệnh. Sương mù não hậu Covid-19 thường do nhiều nguyên nhân và yếu tố bên ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ hơn là do tổn thương thực thể tại não do nhiễm Covid-19. Các yếu tố này bao gồm tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, căng thẳng quá mức, chế độ ăn uống thiếu vitamin B12, do dùng một số thuốc như là thuốc chống dị ứng (kháng histamin) hoặc các thuốc điều trị tâm thần kinh. Một số rất ít trường hợp là do tổn thương một số vùng trên vỏ não do phản ứng viêm do Covid-19 ở giai đoạn cấp tính. Để hạn chế tình trạng sương mù não hậu Covid, người bị Covid-19 ở giai đoạn cấp tính cần phải nghỉ ngơi, tránh căng thẳng tâm lý, thường xuyên rèn luyện thể chất và vận động, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ và đặc biệt dùng nhiều loại rau củ có chức nhiều vitamin B12 và luteolin (cần tây, bông cải, cà rốt, bạc hà…). Ngoài ra, người bị sương mù não hậu Covid-19 cần phải tham gia các hoạt động để rèn luyện trí não và khả năng thích ứng với các tình huống như là tham gia các hoạt động cộng đồng, tham gia các trò chơi cá nhân (ô chữ, sudoku, đánh cờ) hay tập thể; tham gia vào các khóa học kỹ năng mới để rèn luyện khả năng nhớ và sự tập trung (nấu ăn, làm bánh, vẽ, khiêu vũ, đàn hát…). Những trường hợp suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung nặng cần phải được thăm khám và tư vấn điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Hình 3: Phòng khám Y học giấc ngủ Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Văn phòng Hội y học Giấc ngủ Việt Nam tại TP.HCM

Tóm lại, rối loạn giấc ngủ và sương mù não hậu Covid là những than phiền thường gặp ở những người bị Covid-19. Tuy nhiên đây chỉ là những biểu hiện gây ra chủ yếu bởi những yế tố bên ngoài làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, khả năng nhớ và tập trung trong công việc và sinh hoạt. Do vậy, chế độ ăn uống đầy đủ, vận động thường xuyên và ngủ đủ giấc sẽ giúp hạn chế những biểu hiện rối loạn giấc ngủ và sương mù não hậu Covid-19.

Giới thiệu Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam

Hình 4: Ban Chấp hành Hội Y học Giấc Ngủ Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tham dự Đại hội Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam lần 1