Tìm hiểu “Long COVID”

Đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi số ca tử vong chưa dừng lại thì một bệnh cảnh mới đáng lo ngại lại xuất hiện, ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ của người mắc cả về thể chất lẫn tâm thần, một số bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Bệnh cảnh này được WHO gọi là “Long COVID”.

Dưới đây là những thông điệp chính của WHO về bệnh cảnh “Long COVID”, tạm dịch là “COVID kéo dài”, qua chuyên đề “In the wake of the pandemic: Preparing for Long COVID” (World Health Organization 2021 – Health systems and policy analysis):

1) COVID-19 có thể làm cho sức khoẻ bị suy giảm kéo dài dai dẳng. Khoảng 1/4 số người bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng, 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược. Những bệnh nhân bị nhiễm vi-rút có bệnh cảnh kéo dài này được WHO xếp vào nhóm “COVID kéo dài” (Long COVID). 

2) WHO đang khẩn trương xây dựng tài liệu hướng dẫn về cách chẩn đoán và quản lý bệnh cảnh “Long COVID”. Bệnh cảnh có liên quan đến một loạt các triệu chứng chồng lên nhau, bao gồm đau ngực và đau cơ toàn thân, mệt mỏi, khó thở và rối loạn nhận thức, và các cơ chế ảnh hưởng đến nhiều hệ thống trong cơ thể bao gồm tình trạng viêm dai dẳng, huyết khối và tự miễn. Bệnh cảnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phụ nữ và nhân viên y tế dường như có nguy cơ cao hơn.

3) Bệnh cảnh “Long COVID” có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị nhiễm COVID-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

4) Với sự xuất hiện bệnh cảnh “Long COVID” đòi hỏi cần có các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề sức khoẻ mới phát sinh bao gồm:

– Sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận đa chuyên khoa, đa lĩnh vực để đánh giá và quản lý bệnh cảnh mới xuất hiện;

– Cùng với bệnh nhân và gia đình của họ, phát triển các quy trình chăm sóc mới (care pathway) và các hướng dẫn cho nhân viên y tế theo các bệnh cảnh lâm sàng, đặc biệt là trong chăm sóc ban đầu giúp quản lý ca bệnh phù hợp với các biểu hiện của bệnh và sự liên quan của các hệ thống cơ quan khác nhau;

– Tạo ra các dịch vụ thích hợp, bao gồm cả phục hồi chức năng và các công cụ hỗ trợ người bệnh trực tuyến;

– Cần có những hành động để giải quyết những hậu quả lớn hơn của “Long COVID”, bao gồm quan tâm đến việc làm, chính sách trả lương khi ốm đau, và tiếp cận với các gói phúc lợi dành cho người khuyết tật;

– Hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc và tự giúp đỡ lẫn nhau và tham gia định hình nhận thức về “Long COVID” cùng với các dịch vụ chăm sóc mới; và

– Quản lý người bệnh bị “Long COVID” và hình thành các hệ thống giám sát khác; hình thành nhóm bệnh nhân; và theo dõi lâu dài những bệnh nhân “Long COVID” nhằm hỗ trợ các nghiên cứu rất quan trọng để hiểu rõ hơn và điều trị tốt hơn người bệnh mắc “Long COVID”.

SỞ Y TẾ TP.HCM

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi