Phân biệt nhóm nguyên nhân cụ thể
Đối với 2 nhóm nguyên nhân đầu, vấn đề liên quan đến hạn chế của khoa học kỹ thuật, của nền y học tại thời điểm hiện tại chưa giải quyết tốt vấn đề sức khỏe. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cập nhật nhanh chóng các tiến bộ y học, kết quả nghiên cứu, khuyến cáo giúp chúng ta hạn chế được nguy cơ xuất hiện biến cố y khoa không mong muốn.
Đối với nhóm nguyên nhân sai sót, nguy cơ xuất hiện biến cố không mong muốn diễn ra tuân theo qui luật ngẫu nhiên của thống kê (giống như việc sử dụng máy photocopy để photo giấy, khả năng chống lỗi của máy là 1/1000. Điều này có nghĩa là trong 1000 lần in thì sẽ có 1 lần giấy bị in lỗi). Đặc điểm này cũng tương tự đối với các ngành khoa học khác. Do vậy không nên chỉ tập trung quá nhiều vào trừng phạt cá nhân liên quan đến biến cố. Không phải nhân viên nào cũng muốn phạm lỗi nhất là đối với nhóm nguyên nhân sai sót. Do đó giải pháp sẽ không hiệu quả nếu chỉ xử lý trên cá nhân. Phần trách nhiệm của hệ thống- cách tổ chức công việc nơi xảy ra tai biến cũng cần xem xét. Câu hỏi nên đặt ra là việc tổ chức công việc đã tối ưu hóa chưa trong việc ngăn ngừa sai sót. Để trả lời câu hỏi này cần phải có bước tiếp cận một cách hệ thống như phương pháp phân tích biến cố quan trọng (Significant Events Analysis – SEA, được giới thiệu ở bài riêng).
Đối với nhóm nguyên nhân sai phạm, vấn đề mang tính chất chủ quan và liên đới trực tiếp đến chính cá nhân tham gia gây ra biến cố y khoa không mong muốn. Việc tiếp cận giải quyết những trường hợp này cần chuyên biệt . Người sai phạm phải tự nhận thức được mức độ trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe bệnh nhân. Đơn vị công tác cần giữ vai trò hỗ trợ, nâng đỡ, tạo điều kiện khắc phục hậu quả.
Xây dựng môi trường làm việc khó phạm lỗi
Đối với các sai phạm, việc này liên quan đến chính sự thiếu ý thức, thiếu tránh nhiệm trong công tác của bản thân nhân viên y tế, do vậy cần lên án. Đối với các tình huống khác, chiến lược phù hợp là phải triển khai qui trình làm việc giúp nhân viên y tế thực hiện tốt chức năng mà vẫn đảm bảo hạn chế tối đa sai sót.
Với cách can thiệp hướng hệ thống, việc phòng ngừa lỗi không phải tập trung vào cá nhân cụ thể, mà bằng cách thiết kế lại hệ thống công việc để việc phạm lỗi khó xảy ra hơn. Người nhân viên y tế được đặt trong môi trường công tác khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả. Với việc áp dụng bệnh án điện tử trong y khoa, công việc của người nhân viên y tế ngày càng được hướng đến chuẩn hóa, góp phần hạn chế rất nhiều các sai sót trong xuyên suốt quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân. Có thể nói “Phòng ngừa lỗi không phải bằng cách tạo ra những con người tốt hơn, mà bằng cách thiết kế lại hệ thống để việc phạm lỗi khó xảy ra hơn”.
Ba biện pháp chính được đề ra để giúp hệ thống an toàn hơn, bao gồm 3 nhóm giải pháp chính:
- Ngăn ngừa (thiết kế hệ thống ngăn ngừa sai sót): sử dụng bảng kiểm (check list) chuyên biệt đối với từng mặt bệnh, hộp thuốc có nắp đậy chuyên biệt phòng ngừa dùng thuốc vô ý cho trẻ em …
- Phát hiện (xây dựng tiến trình trong đó dễ dàng phát hiện sai sót nếu có xảy ra): sử dụng chương trình bệnh án điện tử với cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo lâm sàng đối với các dấu chứng nguy hiểm, tạo đường dây nóng để bệnh nhân-thân nhân có thể phản hồi ý kiến thuận lợi nhất, áp dụng 5 kiểm tra – 3 đối chứng trong công tác điều dưỡng… (xem thêm bài “phân tích sự kiện quan trọng để có thêm dẫn chứng”).
- Can thiệp (thiết kế quy trình làm giảm ảnh hưởng của sai sót nếu nó xảy ra trong trường hợp không thể phát hiện hoặc ngăn ngừa được): yêu cầu tái khám để kiểm tra và hiệu chỉnh chỉ định điều trị hiện tại; thiết lập đường dây nóng gặp trực tiếp bác sĩ điều trị một khi có diễn tiến bất thường, qui trình xử trí trong trường hợp sốc thuốc, dị ứng thuốc; diễn tập xử trí hồi sức cơ bản; diễn tập phòng ngừa cháy nổ…
2.3.3. Xây dựng văn hóa mới về an toàn người bệnh
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), có thể định nghĩa đơn giản “An toàn người bệnh là việc ngăn ngừa các sai sót và sự cố có liên quan đến chăm sóc y tế, xảy ra cho người bệnh”[6]. Còn theo Cơ quan chất lượng và nghiên cứu sức khỏe Hoa kỳ (AHRQ) thì: “Một cách cơ bản, an toàn người bệnh là việc không gặp phải những tổn thương không mong muốn, có thể phòng ngừa được gây ra do chăm sóc y khoa. Những biện pháp can thiệp nhằm cải tiến an toàn người bệnh là những biện phát giúp giảm tần suất các sự cố có thể ngăn ngừa được”[3].
Vấn đề an toàn người bệnh được là một mắt xích không thể thiếu nhằm hạn chế tai biến – biến chứng, đảm bảo chất lượng điều trị, trực tiếp góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Do vậy, tại nhiều nước có nền y tế phát triển đã có những chính sách – giải pháp can thiệp nhằm cải thiện vấn đề này[5]. Một số giải pháp có thể áp dụng: - Tổ chức tập huấn – thảo luận – hướng dẫn làm thay đổi nhận định của nhân viên y tế về khía cạnh an toàn người bệnh theo chiều hướng tích cực.
- Lồng ghép các hoạt động sáng kiến cải tiến nâng cao an toàn người bệnh vào kết hoạch đánh giá chất lượng hằng năm của đơn vị.
- Ghi nhận – đánh giá – phân tích một cách hệ thống và liên tục các biến cố không mong muốn xảy ra trong đơn vị, từ đó đề xuất giải pháp tối ưu hệ thống, phòng ngừa biến cố trong tương lai.
- Khuyến khích hoạt động báo cáo sự cố tự nguyện trong đơn vị thông qua nhiều hình thức khách nhau.
- Xây dựng và công bố rộng rãi qui trình xử trí giảm thiểu hậu quả một khi biến cố không mong muốn xảy ra trong đơn vị. Trong đó, qui trình tập trung ưu tiên bảo vệ sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế, không đặt nặng vấn đề trừng phạt.
- Xây dựng đơn vị chuyên trách giúp ghi nhận và phát triển các giải pháp về an toàn người bệnh.
- Ban giám đốc tiếp nhận và giải quyết các sai sót – sai phạm một cách cởi mở, tích cực, hướng giải pháp hệ thống hơn là trừng phạt cá nhân cụ thể.
- Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị. Khuyến khích áp dụng y học chứng cớ vào trong chăm sóc bệnh nhân, ưu tiên áp dụng giải pháp có hiệu quả thật chuyên biệt cho từng trường hợp (patient centred care).
- Khuyến khích nhân viên tham gia đào tạo liên tục. Tổ chức tập huấn – cập nhật kiến thức – qui trình chuyên môn
- Tham quan học tập các đơn vị triển khai thành công – điển hình về văn hóa an toàn người bệnh. Tham gia báo cáo – trao đổi kinh nghiệm quản lý xử trí biến cố – biến chứng.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.